Châu Á đẩy mạnh du lịch trong nước

caodung

10/06/2020 20:52

Các biện pháp phong tỏa, cấm xuất nhập cảnh làm tê liệt ngành du lịch quốc tế, du lịch nội địa được đẩy mạnh tại châu Á nhằm bù đắp doanh thu và thúc đẩy phục hồi sau đại dịch.

Mặc dù châu Âu vẫn là lựa chọn du lịch hàng đầu, nhưng khu vực châu Á Thái Bình Dương đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế, theo báo cáo Xu hướng Du lịch APAC 2018. Trước khi đại dịch xảy ra, các nước châu Á đặt ra mục tiêu doanh thu rất cao, nhằm đến cả du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, với tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp phong tỏa, hủy hoặc hoãn các chuyến bay, các lệnh cấm xuất nhập cảnh, tình hình kinh tế khó khăn và tâm lý của người dân đã khiến nền công nghiệp du lịch nhiều nước châu Á cùng chịu chung hoàn cảnh khó khăn. Du khách nội địa tạm thời là cứu cánh cho các hãng kinh doanh dịch vụ du lịch châu Á cho đến khi thị trường mở cửa trở lại, đồng thời chứng tỏ nhu cầu du lịch của người dân khu vực này.

Nhật Bản

Với lệnh cấm nhập cảnh đối với 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà được thực hiện từ đầu tháng Tư đã khiến các doanh nghiệp trong ngành du lịch Nhật Bản khốn đốn. Trong số 51 đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng Tư, hầu hết là các công ty kinh doanh lĩnh vực nhà hàng khách sạn, theo Tokyo Shoko Research. Lượng khách quốc tế đến Nhật Bản trong tháng Tư giảm đến 99,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình đó, vào tháng Năm Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố kế hoạch kích thích du lịch bằng cách trao trợ cấp cho khách du lịch trong kế hoạch “Go to Travel”. Khoản trợ cấp trị giá lên đến gần 190 USD/ ngày dưới dạng giảm giá (discount) và phiếu mua hàng (voucher) sử dụng ở các cửa hàng, quán ăn, tàu xe và điểm tham quan, áp dụng cho du khách đặt trước qua các công ty du lịch hoặc trực tiếp với nhà hàng, khách sạn địa phương. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ kế hoạch tài trợ lên đến 12,5 tỉ USD, nhưng chi phí cho khách du lịch cũng được giảm đến 50%. Chương trình sẽ được bắt đầu từ cuối tháng Bảy khi các lệnh hạn chế du lịch do đại dịch được nới lỏng.

Mục đích của kế hoạch là “kích thích nhu cầu du lịch nội địa Nhật Bản sau đại dịch COVID-19 và chỉ chi trả một phần chi phí du lịch trong nước”, theo tuyên bố của Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) trên Twitter.

Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong các nước châu Á thành công trong việc khống chế làn sóng lây nhiễm nhờ kinh nghiệm đối phó dịch SARS và MERS trong quá khứ, tính tuân thủ và ý thức hợp tác cao của cộng đồng. Sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, nhu cầu du lịch quốc nội ở Hàn Quốc bắt đầu tăng trở lại. Địa điểm du lịch nổi tiếng là đảo Jeju đã chào đón hơn 35 nghìn khách du lịch Hàn Quốc chỉ trong ngày 29.4, tương đương 80% lượng khách đến đảo ngày vào cùng kỳ năm 2019. Hãng bay Air Seoul đã tăng đến 32 chuyến bay một tuần giữa Gimpo và Jeju từ ngày 6.4, từ mức 2 chuyến/ tuần trong tháng Ba.

Ngày 9.6, chính phủ Hàn Quốc thông báo một gói kích thích du lịch quốc nội trong cuộc họp do Thủ tướng Chung Sye-kyun chủ trì nhằm phục hồi ngành du lịch đang yếu đi vì COVID-19. Các biện pháp kích thích cụ thể bao gồm phân phát 1 triệu phiếu giảm giá lên đến 32 USD cho các dịch vụ lưu trú, và 150 nghìn gói du lịch giảm 30% nếu khách hàng trả trước. Chính phủ cũng quy định giảm một nửa yêu cầu vốn để thành lập công ty du lịch. Dự kiến các biện pháp này sẽ kích hoạt chi tiêu cho du lịch lên đến gần 4 tỉ USD.

Ngành du lịch quốc tế của Hàn Quốc cũng đóng băng, với lượng khách du lịch trong tháng Tư giảm 98,2% so với cùng kỳ năm 2019. Với hơn 28 triệu khách Hàn Quốc du lịch nước ngoài năm trước, cách duy nhất để ngành du lịch tồn tại là kích thích du lịch quốc nội.

Thái Lan

Tình hình ngành du lịch Thái Lan vô cùng thảm khốc, vì ngành này chiếm đến một phần năm GDP quốc gia vào những năm trước và tuyển dụng khoảng 8 triệu lao động. Năm 2020, chính phủ Thái Lan dự đoán lượng khách quốc tế giảm 68% so với năm trước, và ngành du lịch sẽ thu hẹp 70%, theo Somprawin Manprasert, Ngân hàng Ayudhya PCL.

Đến ngày 1.7 Thái Lan mới mở cửa trở lại với khách quốc tế, các nhà chức trách Thái Lan đang giúp các khu nghỉ dưỡng bù đắp một phần doanh thu mất đi nhờ vào du lịch nội địa, cho đến khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại. “Hiện giờ các chủ khách sạn và nhà điều hành du lịch trụ vững. Họ cần nguồn tiền mặt. Họ nóng lòng được kinh doanh trở lại”, theo Bill Barnett, giám đốc điều hành tại C9 Hotelworks.

Một mảng thị trường chính phủ Thái Lan coi là cơ hội chính là khách thu nhập cao, có thể bán những gói du lịch cao cấp. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan kết hợp với Hội đồng Du lịch (The Tourism Council of Thailand) để lên các chương trình nhằm thu hút khách du lịch trong nước đến hai khu vực Phuket và Samui & Phanagan, để ở ít nhất một tháng, khi họ đã vượt qua kiểm tra sức khỏe ở tỉnh nhà hoặc khi mới nhập cảnh trở lại Thái Lan. Chương trình dự kiến kéo dài một đến hai năm cho đến khi du lịch quốc tế phục hồi. “Thái Lan cần khách du lịch Trung Quốc khi hồi phục trở lại”, ông Chairat Trirattanajarasporn, chủ tịch Hội đồng Du lịch cho biết.

Singapore

Các khách sạn ở Singapore đang dựa vào khách địa phương để duy trì nguồn tiền của mình thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho dịch vụ “staycation” (du lịch tại chỗ), nhất là khi tới kỳ nghỉ hè của học sinh bắt đầu từ 14-22.3. Các chương trình này đều dành cho công dân Singapore hoặc thường trú nhân tại đây.

“Vì người dân Singapore nghĩ nhiều gấp đôi về du lịch nước ngoài trong thời gian bùng phát dịch so với trước đây, staycation có thể hấp dẫn hơn, nhất là trong mùa nghỉ hè. Đây là cơ hội để các nhà kinh doanh ngành dịch vụ chú trọng hơn đến thị trường nội địa”, theo ông Arthur Kiong, CEO của Far East Hospitality.

Các khách sạn ở Singapore cũng chia dịch vụ staycation thành các mảng dành cho các đối tượng khác nhau: khách hàng quan tâm đến sức khỏe, tập thể dục thể thao; khách hàng muốn tìm hiểu nghệ thuật, văn hóa, di sản; và những cặp đôi muốn đổi không khí. Thay vì tập trung vào giảm giá, các khách sạn đưa thêm các dịch vụ gia tăng và đem lại các trải nghiệm độc nhất cho khách hàng.“Khi tạo ra các gói khuyến mãi, chúng tôi làm việc với các nhà điều hành du lịch và các điểm tham quan để đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách”, Kiong cho biết.

Trong báo cáo gần đây, GlobalData dự đoán mảng staycation có thể trở thành điểm sáng trong đại dịch COVID-19. “Người dân vẫn muốn đi nghỉ. Tuy nhiên, họ muốn bắt đầu bằng tiêu chí an toàn trên hết. Các chuyến nghỉ tại chỗ khiến khách thấy thoải mái hơn vì họ thân thuộc với địa điểm và tránh được phải bay. Họ biết được dịch vụ và cấu trúc y tế, cũng như lợi ích ở trong nước”, theo ông Nick Wyatt, giám đốc nghiên cứu và phân tích tại GlobalData.

Cao Dung

caodung
Bạn đang đọc bài viết "Châu Á đẩy mạnh du lịch trong nước" tại chuyên mục Khoa học quản lý.