Cơ cấu cổ đông của Delta Group
Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta (Delta Group) được biết đến là "ông lớn" trong lĩnh vực xây dựng, mang đậm dấu ấn lãnh đạo của doanh nhân Trần Nhật Thành - nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp. Không chỉ là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực xây dựng, ông Thành còn nắm trong tay nhiều lô đất vàng tại Hà Nội. Delta Group cùng với Coteccons, Ricons, Newtecons, Hòa Bình được xem là 'võ lâm ngũ bá' của thị trường xây dựng ở Việt Nam.
Doanh nhân Trần Nhật Thành quê ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông từng là học sinh của một trường chuyên nổi tiếng khắp cả nước - trường chuyên Phan Bội Châu. Năm 1975, ông Thành tốt nghiệp Thạc sĩ với tấm bằng chuyên ngành kỹ thuật xây dựng của Đại học Kharkov, Liên Bang Xô Viết. Sau đó ông trở về nước làm giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ông cũng từng có một khoảng thời gian giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học Kỹ thuật xây dựng.
Năm 1993, ông là người sáng lập Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta. Hiện tại, ông đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Tập đoàn Xây dựng Delta và đang giảng dạy tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến năm 2018, ông Trần Nhật Thành, người sáng lập Delta hiện là Chủ tịch HĐTV. Với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng hiện nay của doanh nghiệp, ông Thành sở hữu 77,1% vốn điều lệ. Bà Nguyễn Thị Kim Dung (vợ ông Trần Nhật Thành và cũng là một trong các cổ đông sáng lập, thành viên HĐQT của Delta Group) sở hữu 1,71%. Còn ông Trần Thành Vinh nắm 16,33% vốn điều lệ.
Kể từ khi thành lập cho đến nay, Delta đã tham gia thực hiện thành công rất nhiều công trình trọng điểm như phần nền móng Keangnam Tower, tòa nhà 68 tầng Bitexco Financial Tower; thi công xây dựng các khu đô thị, các dự án lớn như Times City, Royal City, Goldmark City, Sunbay Park... và thi công các công trình tầng hầm sâu nhất, lớn nhất như: Trung tâm thương mại VIncom Centre, Royal City, Eden,...
Không những vậy, Delta Group của Chủ tịch Trần Nhật Thành còn được biết đến là "đại gia" sở hữu đất vàng giá rẻ tại Hà Nội thông qua việc mua cổ phần các công ty nhà nước.
“Hành trình” những khu đất vàng nội đô từ doanh nghiệp nhà nước vào tay Delta Group
Dự án tại 11A Cát Linh
Đầu tiên phải nhắc đến lô đất vàng tại 11A Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội. Lô đất này vốn do Công ty Cổ phần Tạp phẩm và Bảo hộ lao động (Sunprotexim) trước đây thuộc Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) sở hữu. Hiện nay bà Nguyễn Thị Kim Dung đang nắm giữ Chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sunprotexim và bà Nguyễn Thị Kim Dung được biết đến là vợ của ông Trần Nhật Thành.
Ngoài lô đất vàng tại 11A Cát Linh, Sunprotexim còn sở hữu nhiều lô đất vàng khác ở Hà Nội như 30 Đoàn Thị Điểm, 352 Giải Phóng…
Năm 2004, Sunprotexim cổ phần hóa theo Quyết định số 1215 của Bộ Thương Mại. Sau cổ phần hóa, nhà nước vẫn nắm 43,29% vốn điều lệ của Sunprotexim.
Từ năm 2010, Sunprotexim đã chủ trương xây dựng dự án trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp cao tại số 11A Cát Linh tuy nhiên sau đó, dự án "bất động" trong một thời gian dài.
Đến năm 2016, SCIC đại diện cho phần vốn nhà nước đã thoái toàn bộ vốn tại đây. Lúc này, "bóng dáng" của Tập đoàn Delta hiện rõ bằng việc bà Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1955) nắm chức Chủ tịch HĐQT của Sunprotexim, còn ông Trần Ngọc Hà là Phó chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc.
Từng trả lời một tạp chí, bà Nguyễn Thị Diệu Thùy – Phó Tổng Giám đốc tài chính Delta Group (thời điểm đó) cho biết, Tập đoàn này đã mua trọn lô cổ phần từ SCIC với giá khoảng 180.000/cổ phần. Với giá này, SCIC thu về gần 78 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Sunprotexim.
Đến ngày 23/8/2017, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định số 5853/ QĐ-UBND về việc thu hồi 2.505m2 đất tại địa chỉ 11A Cát Linh do Công ty Tạp phẩm và bảo hộ lao động quản lý, sử dụng; giao cho Công ty CP Bình Minh Group (Bình Minh Group) thuê để tiếp tục sử dụng cùng với tài sản nhận chuyển nhượng làm trụ sở làm việc và cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Thời hạn chuyển nhượng hợp đồng thuê đến ngày 27/8/2054.
Khi mới thành lập, Bình Minh Group có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là: ông Phạm Hoàng Long (28%); ông Trần Ngọc Hà và bà Nguyễn Thị Kim Dung mỗi người sở hữu 36% vốn điều lệ.
Hai cổ đông Nguyễn Thị Kim Dung và Trần Ngọc Hà như đã biết đều nằm trong HĐQT của Sunprotexim và có liên quan đến Delta Group. Còn ông Phạm Hoàng Long (SN 1987) được biết đến là con rể của ông Trần Nhật Thành và bà Nguyễn Thị Kim Dung
Mất nhiều tâm huyết để sở hữu Sunprotexim - chủ khu đất 11A Cát Linh, song Delta Group của ông Trần Nhật Thành lại dễ dàng từ bỏ. Để rồi, Thaiholdings “thế chân” với giá chỉ 40 tỷ đồng.
Điều này được thể hiện trong thuyết minh báo cáo tài chính của CTCP Thaiholdings (MCK: THD)- công ty mẹ của Thaigroup. Theo đó, Thaigroup đã mua 4 triệu cổ phần, tương đương 80% vốn điều lệ của Bình Minh Group- chủ khu đất 11A Cát Linh, với tổng giá mua là 40 tỷ đồng, qua đó sở hữu dự án đất vàng này.
Dự án tại 79 Lạc Trung
Ngoài Sunprotexim, Tập đoàn Delta của ông Trần Nhật Thành còn thâu tóm Công ty cổ phần Vải sợi may mặc miền Bắc (TET).
Theo Báo cáo quản trị bán niên 2023 của TET, "nhóm Delta" sở hữu tới 82,11% vốn doanh nghiệp này. Trong đó, Công ty TNHH tập đoàn Xây dựng Delta 35%, Công ty CP xây dựng và ứng dụng công nghệ Delta -V 35% và ông Phạm Hoàng Long 12,11%.
Chủ tịch HĐQT của TET là bà Nguyễn Thị Diệu Thùy - người có nhiều mối liên hệ với Delta Group của Chủ tịch Trần Nhật Thành.
TET là doanh nghiệp có quỹ đất không hề nhỏ như: 12.407 m2 đất kho và xưởng đặt tại 79 Lạc Trung; Tổng kho Đức Giang (Long Biên) với diện tích hơn 25.000 m2 hay đất tại Tổng kho Giáp Bát có diện tích khoảng 3.700m2…
Sau khi có sự tham gia đầu tư từ nhóm Delta của ông Trần Nhật Thành, TET đã công bố triển khai dự án Tổ hợp văn phòng, thương mại dịch vụ căn hộ để bán hoặc cho thuê (tên gọi thương mại Red River View) tại số 79 Lạc Trung.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được triển khai từ năm 2017 - 2020, với quy mô 24 tầng nổi, 3 tầng hầm và tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án vẫn chưa thể triển khai.
Dự án tại 605 Minh Khai
Delta Group của đại gia Trần Nhật Thành còn gom một lô đất vàng khác giáp với lô đất 79 Lạc Trung.
Cụ thể, Công ty CP đầu tư và xây lắp Nhật Anh từng được biết đến là công ty con của Công ty CP đầu tư xây lắp thương mại I (doanh nghiệp của Bộ Thương Mại trước đây). Công ty Nhật Anh là đơn vị quản lý, sử dụng khu đất 605 Minh Khai.
Tuy nhiên, tháng 9/2017, cổ đông nhà nước là Công ty CP đầu tư xây lắp thương mại I và 4 cổ đông sáng lập khác đã thoái toàn bộ vốn tại Nhật Anh. Lúc này người đại diện pháp luật của Công ty là ông Trần Ngọc Hà (SN 1961).
Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 8/2018, vốn điều lệ của doanh nghiệp này được điều chỉnh tăng từ 20 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng.
Không chỉ đại diện tại Công ty Nhật Anh, ông Hà cũng là Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật của Sunprotexim. Ngoài ra, ông Hà còn từng là cổ đông tại TET, tuy nhiên đã tiến hành thoái hết vốn trong nửa đầu năm nay.
Đáng chú ý, sau khi nhóm Delta nắm quyền kiểm soát tại TET và Công ty Nhật Anh, 2 doanh nghiệp này đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Cụ thể, 2 doanh nghiệp này dự kiến gộp 2 khu đất 79 Lạc Trung và 605 Minh Khai để thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng làm việc và chung cư cao tầng.
Kế hoạch phát triển dự án Red River View sau đó cũng thay đổi theo. Việc gộp 2 khu đất lại làm tăng quy mô dự án lên 1,63 ha, tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên mức gần 1.900 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, giai đoạn 1 TET góp 75% tương ứng 283 tỷ đồng và Công ty Nhật Anh góp 25% vốn tương ứng 95 tỷ đồng. Giai đoạn 2 các bên thỏa thuận giá trị phần vốn góp của mỗi bên dựa trên diện tích và đơn giá xây dựng.
Sở hữu nhiều bất động sản nội đô giá rẻ, bức tranh tài chính – kinh doanh của Delta Group ra sao?
Cũng như các “ông lớn” trong ngành xây dựng, Delta có doanh thu nhiều nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu thuần của Delta lại đi giật lùi, lần lượt đạt 3.724 tỷ đồng, 3.542 tỷ đồng và 2.888 tỷ đồng.
Biên lãi gộp dù cải thiện theo từng năm, song vẫn rất mỏng, chỉ đạt lần lượt: 2,5%, 2,7% và 3,9%.
Trong các năm, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đều đặn với giá trị lớn khiến lợi nhuận trước thuế của công ty bị ăn mòn rất mạnh và suy giảm liên tiếp, lần lượt là: 20 tỷ đồng, 19 tỷ đồng và 15,6 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế, lãi ròng của công ty xuống mức: 16 tỷ đồng, 15 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng. Số lãi mỏng manh này khiến các chỉ số ROA và ROE đều ở mức cực thấp.
Về tài sản, trong giai đoạn nói trên, tổng tài sản của Delta thăng giáng khá mạnh, từ 4.705 tỷ đồng lên 5.324 tỷ đồng rồi lại sụt xuống 4.618 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm đa số với các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho bằng 81% (2017), 80% (2018), 78% (2019) tổng tài sản.
Khoảng 85% tài sản của Delta được tài trợ bằng nợ phải trả (tỷ lệ tương ứng qua các năm là 85%, 86%, 84%), cho thấy mức độ tự chủ tài chính của công ty khá thấp.
Với vốn chủ sở hữu chỉ hơn 700 tỷ đồng (được bồi đắp bằng lợi nhuận lũy kế), hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty lên tới 5 – 6 lần, lần lượt là: 5,6 lần (năm 2017), 6,2 lần (năm 2018) và 5,2 lần (năm 2019). Đây là hệ số rất cao, dẫu cho xây dựng là ngành thâm dụng vốn.
Nếu chỉ tính riêng nợ vay thì tổng nợ vay vào năm 2019 của Delta cũng đã lên tới 1.364 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu (736 tỷ đồng), tiếp tục cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy khá lớn của công ty này.
Tình trạng phụ thuộc vào vốn vay của Delta cũng được thể hiện khá rõ ở dòng tiền tài chính của doanh nghiệp. Chẳng hạn như nâm 2019, tiền thu từ đi vay là 1.644 tỷ đồng, tiền trả nợ vay là 1.818 tỷ đồng. Những năm trước, dòng tiền vay/trả còn lớn hơn thế…
Tính đến cuối 2021, Delta có tổng tài sản hơn 5.329 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Tuy nhiên, phải thu ngắn hạn chiếm 34%, hàng tồn kho chiếm 37% tổng tài sản.
Suốt 3 năm 2019 - 2021, Delta duy trì nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn so với nợ vay dài hạn. Tổng nợ vay luôn gần gấp đôi so với vốn chủ sở hữu. Tính tại năm 2021, nợ vay đạt 1.165 tỷ đồng, giảm 7% so với năm trước.