Cát nhân tạo có thể là yếu tố cho "sự tồn vong" của Singapore

Tường Thụy

01/08/2021 18:10

Thế giới ngày càng thật sự khan hiếm cát xây dựng nên cát nhân tạo sẽ là nguyên liệu thay thế. Những quốc gia và lãnh thổ không có tài nguyên thiên nhiên nhưng luôn cần rất nhiều cát xây dựng như Nhật Bản, Singapore rất xem trọng cát – và Nhật, với trình độ phát triển cao, đã sản xuất cát nhân tạo. Với Việt Nam, cát nhân tạo dường như chưa được chú ý nhiều.

Nhỏ như hạt cát nhưng ý nghĩa vô cùng lớn ở Singapore

Phần lớn tài sản quốc gia của Singapore đều gắn liền với biển. Đảo quốc bao bọc xung quanh là biển nên cát chính là nguyên liệu quan trọng giúp Singapore đối phó nạn nước biển dâng (hậu quả của nạn trái đất nóng lên), cũng như liên tục mở rộng lãnh thổ ra biển từ khi lập quốc năm 1965.

Trước khi Covid-19 xuất hiện trên thế giới, báo Bloomberg từng có bài rất chi tiết về tầm quan trọng của cát đối với Singapore, và mô tả cảnh sà lan chở cát qua các tuyến đường biển hướng đến đảo quốc xếp hàng dài không khác cảnh xe cộ nối đuôi nhau trên những xa lộ liên bang tại Mỹ. Bloomberg cho biết Singapore là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới và đảo quốc sẽ không thể sinh tồn nếu thiếu hàng nghìn tấn cát nhập khẩu được mua về mỗi ngày để phục vụ ngành xây dựng.

Tương lai của Singapore không nằm ở những tòa tháp văn phòng chọc trời hay những trung tâm mua sắm luôn đông đảo người từ nhiều nước khác cũng như người Singapore, mà chính là có đủ cát hay không. Kể từ thập niên 1960, Singapore đã tăng dần diện tích lãnh thổ lên khoảng 25% bằng cách lấn biển, nghĩa là tổng diện tích hiện nay bằng diện tích nguyên thủy nới rộng thêm 1/4 nữa. Lãnh thổ Singapore nguyên thủy không liền mạch và có vài chục hòn đảo nhỏ xung quanh. Qua quá trình lấn biển, một số hòn đảo được nối với lãnh thổ chính và phục vụ mục đích nông nghiệp, một số khác dùng cho nhiệm vụ quốc phòng.

sa-lan-cat-singaporev1-1627815347.jpg
Một sà lan chở cát đến Singapore vào thời điểm trước khi Covid-19. Ảnh: Bloomberg

Bloomberg dẫn số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, năm 2016 Singapore nhập khẩu 38,6 triệu tấn cát và tăng lên 59 triệu tấn vào năm 2018, hơn một nửa trong số đó được nhập từ Malaysia. Một trong những dự án cải tạo đất lớn nhất đến hiện tại của Singapore là cảng lớn Tuas, dự kiến mở cửa theo từng giai đoạn cho đến năm 2040. Giai đoạn đầu tiên của dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2021 với chi phí khoảng 1,8 tỷ USD, sử dụng 88 triệu mét khối vật liệu để cải tạo khoảng diện tích tương đương với 383 sân bóng đá.

Nhiều biểu tượng của Singapore mọc lên từ những nơi từng vốn là biển nước, bao gồm khách sạn và sòng bạc Marina Bay Sands, sân bay Changi hay cảng Singapore. Đường bờ biển Singapore giờ đây khó thể nhìn thấy khi hàng trăm tòa nhà và chung cư cao cấp đổ xô mọc lên trong nhiều năm qua. Ngành xây dựng tại đảo quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, nhưng nhu cầu lớn về cát của Singapore vẫn còn đó, theo ông Adam Switzer, phó chủ tịch Trường Môi trường Châu Á tại Đại học Công nghệ Nanyang. “Giống nhiều nơi khác trên thế giới, Singapore cần phải bảo vệ bờ biển trước mực nước biển dâng cao trong tương lai. Do vậy, nhu cầu mua cát luôn hiện hữu”, ông Switzer nói với Bloomberg.

Sự nóng lên của trái đất là nhân tố nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự tồn vong của Singapore. Nếu địa cầu tiếp tục nóng lên như tốc độ hiện nay, một khu vực rộng tương đương 3.400 sân bóng đá ở trung tâm Singapore có thể chìm trong nước biển vào năm 2100. Vì thế, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng cảnh báo qua phát biểu, mọi thứ đều không quan trọng bằng việc bảo vệ sự tồn vong của chúng ta.

Theo bài của Bloomberg, việc đảm bảo nguồn cung cát ổn định đã trở nên khó khăn hơn đối với Singapore vì những nước từng bán cát cho Singapore như Việt Nam, Campuchia, Indonesdia nay đã ngưng cung cấp vì lo ngại ảnh hưởng môi trường ở các nước đó. Malaysia, nguồn cung cát lớn nhất cho Singapore, đã cấm xuất khẩu cát vào năm 2019. Bởi vì cũng như Singapore, Malaysia chưa bao giờ ngừng lấn biển để phát triển các dự án bất động sản.

Bài học từ Nhật Bản

Xứ sở mặt trời mọc đã bắt đầu nghĩ đến việc làm ra cát nhân tạo từ nhiều năm trước và các tài liệu hiện nay cho thấy phần lớn các công trình xây dựng tại Nhật hiện nay đã sử dụng hoàn toàn cát nhân tạo.

san-bay-kansaiv4-1627815415.jpg
Sân bay quốc tế Kansai (Nhật Bản) là một hòn đảo nhân tạo giữa biển. Nhật rất chú trọng lĩnh vực cát nhân tạo do nhu cầu xây dựng và lấn biển đặc biệt lớn.

Cát nhân tạo là loại cát được nghiền nhỏ ra từ đá. Để làm ra loại cát này, người ta sử dụng thiết bị nghiền roto trục đứng dùng ổ bi. Cát được nghiền ra có hình dạng và tính chất tương tự như cát tự nhiên thông thường. Thế giới đã xác định cát nhân tạo là vật liệu xây dựng của tương lai vì sẽ thay thế hoàn toàn cát tự nhiên và trở thành nguyên liệu chính hỗ trợ con người trong việc xây dựng công trình.

Tại Nhật Bản, so với cát tự nhiên, cát nhân tạo mang những ưu điểm vượt trội hơn hẳn, chẳng hạn hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt tùy theo yêu cầu sử dụng. Đặc biệt, khi sử dụng loại cát này, người ta còn có thể tiết kiệm đáng kể khối lượng xi măng (hoặc nhựa đường nếu là các công trình giao thông), đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công công trình và đảm bảo tuổi thọ lâu dài.

Do cát xây dựng tự nhiên ngày một ít đi, việc làm ra cát nhân tạo sẽ mang đến các cơ hội đầu tư, sinh lời hấp dẫn và giúp giải quyết những vấn đề môi trường trong quá trình khai thác cát tự nhiên hiện nay.

Và câu chuyện của Việt Nam

Thực trạng rõ nhất về môi trường bị ảnh hưởng chính là Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây, và nhiều hồi chuông cảnh báo đã gióng lên về nguy cơ này. Năm 2009, Tiến sĩ Trần Tân Văn, Phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cảnh báo không nên tiếp tục khai thác cát sông ở ĐBSCL.

Nguyên nhân TS. Văn đưa ra là ĐBSCL là một vùng đất yếu, trong cấu tạo các tầng đất thiếu các thành phần tạo hạt thô, cát, sỏi mà chủ yếu là các thành phần hạt mịn như sét, bột, bùn nên không có độ ổn định. ĐBSCL là hạ lưu của sông Mekong nên cát, sỏi là thành phần hạt thô nhưng những thành phần này đã lắng đọng ngay ở phần thượng nguồn, xuống đến hạ lưu chỉ còn là phần hạt mịn sét, bột và các thứ khác nên ĐBSCL về cơ bản là vùng đất rất hay xảy ra sụt lún, sạt lở. Một vùng đất yếu như vậy vốn đã không nên khai thác cát, sỏi để tránh tạo ra những nguy hại làm thay đổi dòng chảy và sạt lở ven sông. Nếu khai thác cát vượt mức kiểm soát, dòng chảy sẽ cuốn đi hàng trăm, hàng ngàn hecta đất ven hai bên bờ sông, các hệ thống, công trình thủy lợi, đê kè bị phá hủy, nhà cửa của người dân ven sông bị cuốn trôi. Và thực tế hiện nay đã chứng minh cảnh báo từ năm 2009 đó là đúng.

 

Tường Thụy