Bộ GTVT đề nghị TP. HCM khẩn trương triển khai dự án đường Vành đai 3

Thiên Kim

31/07/2021 11:05

Ngày 30/7, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc triển khai đầu tư khép kín đường Vành đai 3 đã rất chậm so với quy hoạch được duyệt. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. HCM khẩn trương tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tài liệu để triển khai dự án

Cụ thể, theo Bộ GTVT dự án đường Vành đai 3 thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận và các đơn vị tư vấn rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp và phương án đầu tư. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành báo cáo nghiên cứu tính khả thi (NCTKT). Theo đó, phạm vi dự án điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương, thuộc huyện Bến Lức (Long An), dài 91,66 km.

duong-vanh-dai-tphcm-3-1627642895.jpg

Theo quy hoạch, dự án tuyến đường vành đai 3 đi qua địa phận 4 tỉnh, thành: Long An, Bình Dương, TPHCM và Đồng Nai. (ảnh minh họa)

Quy mô đầu tư, mặt cắt ngang toàn tuyến 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Giai đoạn 1, triển khai giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch và đầu tư phần đường cao tốc với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc hạn chế (kết hợp đường cao tốc đi cùng mặt bằng và đi trên cao), phần đường song hành hai bên với quy mô mặt cắt ngang tối thiểu đủ bố trí 2 làn xe.

Về phương thức triển khai thực hiện các dự án thành phần đầu tư xây dựng phần đường song hành (bao gồm giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch). Dự kiến chia thành các dự án thành phần theo địa bàn tỉnh, thành phố. Theo đó, dự kiến tổng mức đầu tư, giai đoạn hoàn thiện là 64.967 tỷ đồng và giai đoạn 1 là 51.777 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 44.229 tỷ đồng (chưa bao gồm 8.300 tỷ đồng đầu tư tuyến nối vào Khu công nghiệp ông Kèo), tỉnh Đồng Nai và tuyến nối nút giao TP Thủ Đức, TP. HCM.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An sớm xem xét, có ý kiến về các nội dung liên quan đến việc đầu tư dự án, gửi UBND TP. HCM để tổng hợp. Ban QLDA Mỹ Thuận cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu tới UBND các tỉnh nói trên, đồng thời đăng ký làm việc với UBND TP. HCM để bàn giao ngay toàn bộ kết quả nghiên cứu cùng hồ sơ, tài liệu của dự án.

duong-vanh-dai-3-tphcm-1627642901.jpg

Việc triển khai đường Vành đai 3 đã rất chậm so với quy hoạch được duyệt

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác. Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án triển khai 1 dự án cho toàn bộ phần đường cao tốc và 4 dự án thành phần chia theo các đoạn gồm đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn; đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn; đoạn Bình Chuẩn - QL22 và đoạn QL22 - Bến Lức. Sơ bộ tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay) giai đoạn hoàn thiện 91.889 tỷ đồng và giai đoạn 1 là 30.822 tỷ đồng (giai đoạn 1 đầu tư các đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn và Bình Chuẩn - QL22 - Bến Lức, dài 76,36 km; đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài 15,3 km cơ bản giữ nguyên quy mô hiện tại, chỉ đầu tư phần đường song hành hai bên và cải tạo đường hiện tại để nâng cao năng lực thông hành).

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND TPHCM khẩn trương tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tài liệu của dự án, tổng hợp ý kiến các địa phương và rà soát, hoàn chỉnh báo cáo Nghiên cứu tính khả thi (NCTKT) dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 187/TB-VPCP ngày 16/7/2021./.

 

Thiên Kim