Thực hiện phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11); nhằm cổ vũ, động viên và ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Từ năm 2015 đến nay, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long cùng các đơn vị tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Sau 08 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 458 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu trên mọi miền tổ quốc. Đó là các thầy cô giáo đang ngày đêm “bám bản” dạy học tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các thầy cô đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng mang quân hàm xanh; các thầy cô giáo dục đặc biệt dạy các em học sinh khuyết tật; các thầy cô là người dân tộc thiểu số đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Các thầy, cô giáo tuyên dương tại chương trình được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, động viên và tặng quà; được tham gia các hoạt động thăm quan, tọa đàm,… Bên cạnh đó, mỗi thầy giáo, cô giáo tham gia chương trình được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Kỷ niệm chương của Ủy ban Dân tộc, biểu trưng của chương trình và một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng ban, bộ, ngành và dư luận xã hội ghị nhận và đánh giá cao.
Năm nay, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tuyên dương các giáo viên tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại các xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho hay, đổi mới giáo dục đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức lớn đối với toàn ngành, trong đó tiên phong đổi mới là các thầy giáo cô giáo. Do đó, ngành giáo dục luôn ghi nhận, trân trọng sự cố gắng, nỗ lực, tâm huyết vượt qua những trở ngại, khó khăn của các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng không có nhiều thuận lợi về điều kiện, kinh tế, xã hội.
Thứ trưởng hy vọng, các thầy, cô giáo sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực, khắc phục khó khăn, góp sức cùng ngành giáo dục thực hiện các nhiệm vụ đổi mới. “Tiến trình đổi mới giáo dục vốn đã khó, đổi mới căn bản, toàn diện càng khó hơn, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Vì vậy, cần sự tận tâm, tận tụy của thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Các thầy cô đã tích cực rèn luyện, cống hiến, không quản ngày đêm vì đàn em thân yêu” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó tại chương trình, các thầy, cô giáo đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn trong quá trình giảng dạy; những động lực giúp các thầy cô tận tâm, cống hiến với nghề và những mong muốn, nguyện vọng về chế độ chính sách cho những giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, giảng dạy, hỗ trợ học sinh trong cuộc sống, học tập.
Cũng trong buổi gặp mặt, 58 thầy cô tiêu biểu của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, giáo viên lớn tuổi nhất là cô giáo Nguyễn Thị Ngà (sinh năm 1970), công tác tại Trường Tiểu học An Quang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định (thời gian công tác 32 năm 9 tháng) và cô giáo Lý Thị Lam (sinh năm 1970), công tác tại Trường TH&THCS Quang Phong, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn (thời gian công tác 22 năm).
Giáo viên trẻ tuổi nhất là thầy giáo Trần Lê Minh Chiến (sinh năm 1996), công tác tại Trường PTDTBT TH & THCS Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi (thời gian công tác 5 năm 1 tháng) và Thầy giáo Nguyễn Thanh Dương (sinh năm 1996), công tác tại Trường THCS Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (thời gian công tác 6 năm 3 tháng).
Giáo viên có hoàn cảnh khó khăn nhất là cô giáo Nguyễn Thị Kim Lý (sinh năm 1979), công tác tại Trường TH&THCS Hoa Thám, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương (thời gian công tác 24 năm), cô vừa đi làm vừa chăm chồng bị ung thư và con gái sống thực vật từ nhỏ.