Bình Dương đặt mục tiêu di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy ra khỏi khu dân cư

Đức Linh

07/03/2024 10:27

Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu từ năm 2024-2030 sẽ thực hiện di dời khoảng 2.900 nhà máy, doanh nghiệp khỏi khu dân cư đưa vào khu công nghiệp.

a1-1709781914.jpeg
Nhiều nhà xưởng, công ty hoạt động trong khu dân cư đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh, đã tiến hành cuộc làm việc với các ngành chuyên môn để triển khai các giải pháp liên quan đến việc di dời hàng nghìn nhà máy từ khu vực ngoài khu dân cư ở phía Nam sang khu, cụm công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh đã chọn Khu công nghiệp Cây Trường ở huyện Bàu Bàng và Cụm công nghiệp ở huyện Dầu Tiếng với tổng diện tích 1.300ha để sắp xếp việc di dời các nhà máy. Đồng thời, tỉnh sẽ thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành như công nghiệp gốm sứ, công nghiệp đồ gỗ, và bổ sung 5% diện tích đất tại một số khu công nghiệp hiện có để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy khác trong việc hoạt động.

Nhằm tạo động lực, đẩy nhanh chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện di dời, chuyển đổi công năng, các ngành chuyên môn tỉnh Bình Dương đã đề xuất nhiều chính sách ưu đãi mới.

Cụ thể như chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng/nhà xưởng, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh; chính sách cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới; hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính.

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ tiền thuê đất và nhà xưởng tại địa điểm mới cũng được tỉnh Bình Dương áp dụng để thúc đẩy quá trình di dời. Các doanh nghiệp di dời sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về giá thuê đất tại khu, cụm công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, tỉnh sẽ ưu đãi đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Các dự án này có thể được miễn tiền thuê đất trong 11 năm và được hỗ trợ vốn tín dụng đầu tư từ Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Theo lộ trình thực hiện di dời các nhà máy ngoài khu dân cư vào trong khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030, với mục tiêu di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy ra khỏi khu dân cư. Các cơ sở bị di dời chủ yếu tập trung ở thành phố phía Nam của tỉnh gồm thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thành phố Tân Uyên và thành phố Thủ Dầu Một.

Theo ông Võ Văn Minh, để thực hiện được di dời các nhà máy, tỉnh Bình Dương đang kiến nghị khoảng 70% số nhà máy của các doanh nghiệp thuộc diện di dời có thể được thừa kế thửa đất từ nhà máy cũ sau khi đã di dời. Qua đó ưu tiên cho những doanh nghiệp được thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất vào lĩnh vực thương mại-dịch vụ và đô thị; số 30% còn lại tỉnh dự kiến thu hồi đất để làm các công trình công cộng và phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng lưu ý việc chuyển đổi đất sang lĩnh vực dịch vụ-đô thị phải phù hợp với quy hoạch chung.

 

Đức Linh