Theo báo cáo của Đất Xanh Services, tính đến ngày 20/1/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2023 giảm so với cùng kỳ năm 2022. Điểm tích cực là trong tháng 1/2023, có 153 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 310% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong số các ngành nghề thu hút FDI, bất động sản rơi xuống top 5 so với top 2 vào năm 2022.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1 tăng 4,89%. Tuy nhiên, vì năm nay Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1 nên mức tăng này chủ yếu mang tính thời vụ. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao ở các nhóm hàng hóa dịch vụ, văn hóa, giải trí, du lịch, hàng tiêu dùng, ăn uống và giao thông, trong khi đó, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, giáo dục giảm.
Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm phát triển cơ sở hạ tầng. Ngay từ những ngày đầu tháng 1/2023, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm đã được khởi công như 12 dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành... Chuyên gia nhận định, khi chính phủ đặt mục tiêu trọng tâm đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đây sẽ là động lực chính của thị trường BĐS trong thời gian sắp tới.
Nhận xét về lãi suất đầu năm 2023, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã cố gắng chặn đà tăng của lãi suất. Một số ngân hàng đã bắt đầu có xu hướng giảm lãi suất, tuy nhiên mức giảm còn khiêm tốn, chưa có những ảnh hưởng tích cực đến thị trường trong tháng 1/2023.
Theo FERI, thị trường BĐS trong tháng 1/2023 ghi nhận nguồn cung khan hiếm, không có dự án sơ cấp mới được triển khai, đa số chủ đầu tư đang quan sát chuyển biến thị trường, tiếp tục hoàn thiện pháp lý, quan sát và chờ đợi thời điểm thích hợp để giới thiệu đến khách hàng.
Nguồn cầu vẫn ở mức cao, tuy nhiên, khách hàng đang giữ tiền mặt cũng đang quan sát và chờ đợi cơ hội xuống tiền phù hợp. Khách hàng đa phần quan tâm vào các sản phẩm thuộc phân khúc ở thực có pháp lý tốt, chính sách hỗ trợ hấp dẫn từ chủ đầu tư và có thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng với lãi suất giảm.
Giá bán sơ cấp có xu hướng tăng tại Hà Nội, TP.HCM và đi ngang tại các đô thị vệ tinh, trong khi giá bán thứ cấp tiếp tục ghi nhận giảm. Thị trường BĐS cho thuê (thứ cấp) có tín hiệu khởi sắc do giá nhà sơ cấp cao, lãi suất cao, nguồn cung hạn chế nên khách hàng có xu hướng đi thuê nhiều hơn mua.
Khách hàng đầu tư BĐS tiếp tục gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Trong khi đó, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS chưa phát huy hiệu quả rõ ràng.
Giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục xu hướng tăng bình quân 5% - 10%. Tại Hà Nội, giá bán tăng dao động từ 5 – 10% (khu trung tâm), từ 5 – 7% (khu Nam), từ 5 – 15% (khu Tây), từ 9 – 20% (khu Đông). Tại TP.HCM, giá bán tăng dao động từ 10 – 15% (khu trung tâm), từ 15 – 25% (khu Nam), từ 5 – 15% (khu Tây), từ 5 – 10% (khu Bắc), từ 10 – 20% (khu Đông).