HoREA cũng đưa ra đề xuất NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng không yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có "Giấy phép xây dựng" thì mới được vay vốn tín dụng.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp bất động sản vay tín dụng thì dự án bất động sản phải có “chấp thuận chủ trương đầu tư” và “tài sản bảo đảm cho khoản vay” là đúng quy định pháp luật. “Nhưng đồng thời, nhiều ngân hàng còn đưa ra nhiều điều kiện vay quá khắc khe, như yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép xây dựng, giống như "giấy phép con", làm khó doanh nghiệp bất động sản. Do đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Hiệp hội đề nghị NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng không yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có giấy phép xây dựng mới được vay vốn”, ông Châu cho hay.
Đối với doanh nghiệp có khoản vay tín dụng quá hạn bị chuyển thành nợ xấu thuộc nhóm 2, nhóm 3 có nhu cầu vay vốn tín dụng để thực hiện dự án, HoREA đề nghị các tổ chức tín dụng xem xét giải quyết trong trường hợp dự án đã có chấp thuận chủ trương đầu tư và có tính khả thi, có tài sản bảo đảm và được tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 08/2020/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN) giãn lộ trình quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn thêm 12 tháng.
Đồng thời, HoREA kiến nghị NHNN hỗ trợ người mua nhà được vay vốn tín dụng, để giúp thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định và bền vững.
“Có thể nói 2023 là năm “quyết định sống, còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản, cần được hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản, trước hết là nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua khó khăn”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho hay.
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2022, doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức, phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý. Nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO. Thậm chí, có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Nguyên nhân một phần xuất phát từ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.
Trong khi đó, khách mua bất động sản thì cũng khó tiếp cận vốn vay nên ảnh hưởng đến thanh khoản sản phẩm, dự án làm doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
Đồng thời, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.
Anh Hưng - đại diện một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại Quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết, những năm trước hoạt động khai Xuân diễn ra rầm rộ ở các doanh nghiệp địa ốc, song năm nay có phần im ắng hơn. Cụ thể, những năm trước công ty của anh Hưng khai trương vào ngày mùng 6 Tết nhưng năm nay qua ngày mùng 10 (âm lịch) mới làm thủ tục cúng đầu năm. “Dù khai xuân nhưng nhân viên chưa đi làm hết mà luân phiên theo ngày. Những nhân viên sales thì chưa phải lên văn phòng. Chủ yếu các bộ phận hành chính, kế toán. Tình hình này của doanh nghiệp khác hẳn so với các năm trước”, anh Hưng nhận định.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định, năm 2023-2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng đáo hạn lên tới gần 700.000 tỉ đồng. Riêng nhóm bất động sản, khối lượng trái phiếu đáo hạn cuối năm 2023, 2024 lần lượt là 119.000 tỉ đồng và 112.000 tỉ đồng.
“Chính những áp lực nặng nề đang buộc các doanh nghiệp bất động sản phải chật vật xoay xở dòng tiền để duy trì hoạt động. Hiện nay, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý kêu gọi doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn vốn huy động để đảo nợ trái phiếu nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm nguồn vốn mới không đơn giản khi tín dụng bị kiểm soát chặt, thị trường chứng khoán không mấy sôi động, điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, vị này cho hay.