Sau kết luận của Ngân hàng Nhà nước, vấn đề của thị trường bất động sản đang nằm ở đâu?

Quang Khải

09/02/2023 11:10

Trải qua 2 đợt dịch covid -19, thị trường bất động sản đã chịu nhiều thiệt hại và rơi vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên, các vấn đề tín dụng, trái phiếu, pháp lý dự án càng khiến cho thị trường lại thêm sự khó, doanh nghiệp “rối” trong việc tìm còn đường đi khả quan.

Giấy phép

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), hiện nay, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp bất động sản vay tín dụng thì dự án bất động sản phải có “chấp thuận chủ trương đầu tư” và “tài sản bảo đảm cho khoản vay” là đúng quy định pháp luật. “Nhưng đồng thời, nhiều ngân hàng còn đưa ra nhiều điều kiện vay quá khắc khe, như yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép xây dựng, giống như "giấy phép con", làm khó doanh nghiệp bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay: “Có thể nói 2023 là năm “quyết định sống, còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản, cần được hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản, trước hết là nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua khó khăn”.

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2022, doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức, phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý. Nguyên nhân một phần xuất phát từ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.

Trong khi đó, khách mua bất động sản thì cũng khó tiếp cận vốn vay nên ảnh hưởng đến thanh khoản sản phẩm, dự án làm doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.

Đồng thời, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế.

244729026-203006195240838-8369203533554365749-n-1675915036.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Chính phủ chỉ đạo gỡ khó cho tín dụng BĐS

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 trực tuyến với địa phương. Điểm đáng chú ý tại nghị quyết mới ban hành, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 03 ngày 27/1/2023.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng phải được điều hành hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với BĐS, lĩnh vực này đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ mật thiết với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp không ít khó khăn khi dòng vốn tín dụng bị siết lại, cung dư thừa so với nhu cầu và thị trường còn thiếu minh bạch... Những yếu tố này khiến giao dịch bất động sản giảm, nhiều dự án ngừng trệ không tiếp tục triển khai do đói vốn.

Thống kê mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, gần 40% doanh nghiệp địa ốc phá sản trong năm ngoái vì khó khăn dòng tiền, giá nguyên vật liệu leo thang. Cuối năm ngoái, Chính phủ đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với sự tham gia của các bộ, ngành.

Tại nghị quyết phiên họp lần này, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, đề xuất các biện pháp và báo cáo Thủ tướng về hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường này trước ngày 15/2.

Cùng với bất động sản, Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm nay.

"Biện pháp xử lý phù hợp trên tinh thần 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ', bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư", nghị quyết phiên họp Chính phủ nêu.

123343598-691325438161146-311368966826405373-n-1675915079.jpg
Ảnh minh hoạ.

Kết luận của NHNN đối với tín dụng BĐS

Tại “Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 8/2/2023. Phía NHNN cho rằng, dòng vốn vào thị trường bất động sản đến từ nhiều nguồn như vốn tự có của doanh nghiệp, vốn ứng trước của người mua nhà, vốn phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vốn đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài và vốn tín dụng ngân hàng.

NHNN luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến tín dụng bất động sản và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng với mục tiêu vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường.

Tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021 và là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm tỷ trọng lớn 21,2% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế trong 5 năm qua.

Trong đó, tín dụng bất động sản chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng/tự sử dụng: Kinh doanh bất động sản tăng 11,5%, chiếm tỷ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1%, chiếm tỷ trọng 68,72%.

Xét theo phân khúc, dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở xã hội 0,71%, khác là 13,77%.

Như vậy, có thể thấy hiện nay các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn. NHNN khẳng định đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi vẫn được tổ chức tín dụng cho vay theo đúng quy định.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các ngành, lĩnh vực kinh tế trong đó có lĩnh vực bất động sản tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng trong đó có lĩnh vực bất động sản.

NHNN sẽ rà soát và phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, theo báo cáo của các TCTD, Bộ Xây dựng, HoREA, khó khăn vướng mắc của thị trường bất động sản tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý (chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường), trình tự thủ tục đầu tư, về nguồn vốn trái phiếu.

Do đó, để tháo gỡ các khó khăn, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN nhất mạnh rất cần sự quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các Bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp.

NHNN cho biết, sẽ không “bó cứng” room cho tăng trường tín dụng vào bất động sản. Đồng thời, NHNN chỉ có định hướng chung là thông báo cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở các tổ chức hoạt động an toàn, lành mạnh. Còn việc phân bổ cho các chi nhánh, địa phương là do các tổ chức tín dụng.

“Bên cạnh đó, việc kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán thì ko phải là rủi ro của việc tín dụng thuần túy, có thể là một dự án đủ điều kiện vay vốn nhưng ngân hàng không cho vay được vì nếu cho vay dài hạn, ngân hàng sẽ không đảm bảo được khả năng an toàn hoạt động, người dân đến rút tiền sẽ không có tiền trả. Do đó, rủi do ở đây là việc chênh lệch kỳ hạn và an toàn hệ thống”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Về định hướng điều hành năm 2023, để thực hiện các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp địa ốc và tổ chức, cá nhân khi tiếp cận vốn tín dụng, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, NHNN đã có một số yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng như sau:

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản đã hoàn thiện pháp lý, có khả năng trả nợ.

Thứ hai, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.

Thứ ba, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng tín dụng, không nới lỏng các điều kiện tín dụng nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.

121125529-3761850130500435-3867955995779180260-n-1675915160.jpg
Ảnh minh hoạ.

Thứ tư, chủ động rà soát, phân loại, đánh giá các dự án bất động sản đang cấp tín dụng để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; kịp thời có giải pháp tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động tốt.

Đồng thời, đảm bảo thực hiện các thỏa thuận hợp đồng cấp tín dụng đã ký kết với doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà. Đây là điểm rất quan trọng vì các tổ chức tín dụng mới là người trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp. Chỉ đạo các chi nhánh ở từng địa phương có buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để làm rõ lý do vì sao doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn,…

Thứ năm, xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Thứ sáu, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung; kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng hoặc nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD,... đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Thứ bảy, nâng cao chất lượng thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, nhất là đối với các doanh nghiệp có trái phiếu bất động sản phát hành đến hạn thanh toán, thực hiện đầu tư trái phiếu doanh nghiệp theo đúng quy định,…

Đối với các đơn vị thuộc NHNN, Thống đốc chỉ đạo rà soát, tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội một cách nghiêm túc để tham mưu với ban lãnh đạo khẩn trương có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và những vướng mắc phát sinh để báo cáo, tham mưu,... Tăng cường kiểm tra, thanh tra các ngân hàng cho vay dồn vốn cho các doanh nghiệp, tập đoàn “sân sau” của mình.

Quang Khải