Huyện Đan Phượng được biết đến là một vùng đất cổ, nơi hợp lưu của 3 con sông: Hồng, Đáy và Nhuệ, nơi có Thành cổ Ô Diên được chọn làm kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế. Đây cũng là mảnh đất văn hiến, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa gắn với nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo, như hát chèo tàu, ca trù, thả diều sáo, góp phần làm phong phú nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Đặc biệt, Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, 37 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 50 di tích xếp hạng cấp thành phố; một số di tích có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu gắn với cuộc khởi nghĩa Lý Bí và thành cổ Ô Diên (thế kỷ VI), như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác (xã Hạ Mỗ); di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật, như đình Đại Phùng, đình Đông Khê, quán Đoài Khê (xã Đan Phượng)…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, mảnh đất Đan Phượng cũng là nơi đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú làm rạng danh quê hương, đất nước, trong đó có Thái uý Tô Hiến Thành, là Danh nhân văn hóa kiệt xuất nhất của quốc gia Đại Việt thế kỷ XII.
Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (12/3/1102) tại làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Đây là vùng quê “địa linh nhân kiệt”, một không gian lịch sử, văn hóa đặc biệt của Thủ đô, nơi ghi đậm dấu tích cư trú của người Việt cổ; nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lẫy lừng trong lịch sử; nơi Lý Bí phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn dân, lên ngôi Hoàng đế (Lý Nam Việt Đế), lập nước Vạn Xuân, xây dựng kinh đô Vạn Xuân ở cạnh Hồ Tây và Lý Phật Tử xây dựng thành Ô Diên ở Hạ Mỗ, mở đầu truyền thống kinh đô - đế đô - Thủ đô mãi mãi muôn đời của Thăng Long - Hà Nội.
Quê hương Hạ Mỗ nói riêng, Đan Phượng nói chung đã trở thành nền tảng quan trọng nuôi dưỡng nhân cách và con người Tô Hiến Thành trở thành cột trụ duy nhất chống vững triều đình vua Lý Anh Tông và vua Lý Cao Tông đang rệu rã, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào và dẫn đến những hiểm họa khôn lường cho sự tồn vong của quốc gia dân tộc.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho biết thêm, Thủ đô Hà Nội - Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, bứt phá của dân tộc trong thời đại mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và các chiến lược phát triển của Thủ đô luôn xác định rõ: nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người là nền tảng quan trọng để xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Thành phố kết nối toàn cầu.
Ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1569 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định huyện Đan Phượng là khu vực thuộc đô thị trung tâm mở rộng gắn với tuyến vành đai 4 của Thủ đô. Trong bản Quy hoạch khẳng định rõ: “Xây dựng Công viên Di sản văn hóa Danh nhân Tô Hiến Thành; Nghiên cứu phục hồi các di sản văn hóa vùng đất Ô Diên cổ huyện Đan Phượng”.
“Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện Đan Phượng trong thời gian tới nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành, góp phần tích cực trong kỷ nguyên vươn mình của Thủ đô, đất nước hiện nay” - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các ý kiến nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham luận làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất cổ Đan Phượng; những đóng góp của danh nhân Tô Hiến Thành với lịch sử dân tộc; đồng thời cho rằng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa là là nguồn lực nội sinh để địa phương bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, bứt phá trong thời đại mới.
Theo PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, những ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ giúp huyện xây dựng kế hoạch tổng thể để có định hướng quy hoạch, xây dựng vùng đất Hạ Mỗ thành Công viên di sản và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO tôn vinh Tô Hiến Thành, nhân dịp kỷ niệm 850 năm ngày mất của ông (1179 - 2029).