70 năm – Vang mãi bản hùng ca Điện Biên

Hoàng Thảo

16/04/2024 17:04

Nhân dịp Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), hướng tới Kỷ niệm 55 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 16/4 tại Hà Nội, Thư viện Quân đội tổ chức buổi giao lưu, tọa đàm với chủ đề “70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên”.    

Chương trình mang đến sự giao lưu, chia sẻ giữa các nhân chứng lịch sử là những cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên cơ quan Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, chiến sĩ Lữ đoàn 144 Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và bạn đọc thân thiết của Thư viện Quân đội. 

vang-mai-ban-hung-ca-dien-bien-pld-1713283625.JPG
Giao lưu, toạ đàm “70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên” tại Thư viện Quân đội.

Đặc biệt, buổi giao lưu, toạ đàm có sự tham dự của Đại tá Nguyễn Hữu Tài – nguyên  Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312; Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà – nguyên Viện phó Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cùng các nhà nghiên cứu lịch sử.

Tại tọa đàm, hai vị khách mời đã chia sẻ tới bạn đọc về các dấu mốc quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, những tác phẩm văn học, câu hát về chiến dịch. Đây là sự kiện văn hóa nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của thanh niên về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cũng như việc đọc sách lịch sử. Thông qua ngày hội sách nhằm tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh tác giả, tác phẩm; tôn vinh nghề thư viện, xuất bản, phát hành… và góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực thi, bảo hộ quyền tác giả.  

dai-ta-nguyen-huu-tai-pld-1713283310.JPG
Đại tá Nguyễn Hữu Tài chia sẻ tại buổi giao lưu, toạ đàm.

Trong không khí sôi nổi, cùng sự chia sẻ hết sức mộc mạc, giản dị, các khách mời đã giúp người tham gia hiểu sâu sắc hơn về hoàn cảnh lịch sử, những dấu mốc quan trọng, ý nghĩa và giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ và liên hệ với vai trò, trách nhiệm của chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đặc biệt, những câu chuyện về đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận Điện Biên Phủ. Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, nhưng cũng không kém phần phong phú, sáng tạo, đã truyền cho thế hệ trẻ niềm tự hào và tinh thần không ngừng học hỏi, mở mang hiểu biết, khẳng định tầm quan trọng việc đọc sách, coi sách là cầu nối để hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về truyền thống vẻ vang của cha ông.

Buổi giao lưu, tọa đàm là bài học thực tiễn sinh động giúp cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên nhận thức và hiểu rõ ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ; tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc và Quân đội anh hùng; là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang của ông cha để lại.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài quê ở Hải Dương, từ nhỏ ông sống cùng gia đình ở Hải Phòng. Ông tham gia cách mạng từ tháng 8/1945, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông đã tham gia vào đội quân khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng của tướng Nguyễn Bình. 

Đại tá Nguyễn Hữu Tài là một nhân chứng tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5/1954. Ông đã tham gia từ trận đầu cho tới trận kết thúc. Là người giữ chức vụ Chủ nhiệm chính trị trung đoàn, ông vừa làm công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho các cán bộ, chiến sĩ và cũng là người động viên tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong trung đoàn.

 

Hoàng Thảo
Bạn đang đọc bài viết "70 năm – Vang mãi bản hùng ca Điện Biên" tại chuyên mục Cần biết.