3SIP2C: Hành trình nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa ven biển Việt Nam

Mai Phương

18/02/2025 14:58

Với mục tiêu giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về nguồn phát sinh, đường di chuyển, nơi tích tụ của rác thải nhựa và vi nhựa, Đại học Heriot-Watt (Vương Quốc Anh), Trường Đại học Phenikaa, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản cùng các đối tác ở Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “3SIP2C: Hành trình nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa ven biển Việt Nam”. 

Đây là sự kiện nhằm tổng kết Dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam”, (tên tiếng Anh: Sources, Sinks and Solutions for Impacts of Plastics on Coastal Communities in Viet Nam – 3SIP2C).

3sip2c-pld-1739890737.jpg
Hội thảo “3SIP2C: Hành trình nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa ven biển Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Lưu Ngọc Hoạt - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa cho biết, với đường bờ biển dài 3.260 km trải qua 28 tỉnh thành, vùng ven biển Việt Nam đóng vai trò sống còn trong phát triển kinh tế và sinh kế cộng đồng. Tuy nhiên, ô nhiễm nhựa đã và đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng và tính bền vững kinh tế quốc gia. Hàng năm, khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa xâm nhập vào môi trường biển, đặt ra nhu cầu cấp thiết về hành động phối hợp giữa các bên liên quan.

“Dự án 3SIP2C đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận trong việc xác định nguồn phát thải, nơi tích tụ, tác động và đề xuất giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam. Trường Đại học Phenikaa, với định hướng đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, tự hào được điều phối và đồng hành cùng dự án. Nhà trường hiện nằm trong nhóm các cơ sở giáo dục có tầm ảnh hưởng về phát triển bền vững theo bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2023, thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” - GS.TS. Lưu Ngọc Hoạt nhấn mạnh.

gsts-luu-ngoc-hoat-pld-1739890737.jpg
GS.TS. Lưu Ngọc Hoạt - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa.

Dự án 3SIP2C được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) thông qua Hội đồng nghiên cứu Môi trường tự nhiên (NERC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo của Vương quốc Anh (UKRI) với mục tiêu đánh giá tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế xã hội, chất lượng môi trường và sức khoẻ con người; từ đó đề xuất chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các cộng đồng và ngành kinh tế ven biển tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 01/2021 - 3/2025, Dự án 3SIP2C đã hợp tác với các bên liên quan để triển khai các hoạt động chính: Thu và phân tích mẫu môi trường tại các loại hình thủy vực khác nhau để đánh giá nồng độ, hàm lượng và chủng loại rác thải nhựa; Phát triển các công cụ mô hình hóa về sự vận chuyển và tích tụ của rách thải nhựa; Tiến hành các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa; Đánh giá tác động của rác thải nhựa về mặt kinh tế - xã hội đối với nghề khai thác, nuôi trồng thủy hải sản và du lịch tại một số địa phương; Tổ chức tham vấn các bên liên quan thông qua các hội nghị, hội thảo và các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để thu thập thông tin, trao đổi và chia sẻ về các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam.

rac-thai-nhua-ven-bien-pld-1739890737.jpg
Dự án 3SIP2C đánh giá tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế xã hội, chất lượng môi trường và sức khoẻ con người.

Kết quả nghiên cứu chính của Dự án cho thấy, về mô hình vận chuyển nhựa, gió mùa và bão ảnh hưởng đáng kể đến sự phân bố và đường đi của rác nhựa nổi, cụ thể: Mùa khô (gió Đông Bắc): 76,1% rác thải nhựa lớn được vận chuyển về phía Nam; 23% tích tụ ở gần bờ biển thuộc đồng bằng sông Hồng, trong đó khoảng 7,04% tích tụ trong phạm vi 25 km về phía bắc và 15,96% trong phạm vi 75 km về phía nam của cửa sông Ba Lạt (Nam Định). Mùa mưa (gió Tây Nam): 42% rác nhựa được đưa ra vùng ngoài khơi vịnh Bắc Bộ; Các mô hình vận chuyển dọc bờ biển về phía bắc (24,8%) và phía nam (11,7%) thay đổi nhiều do thường xuyên bị bão làm thay đổi và phá vỡ.

Về phân bổ vi nhựa: Nồng độ vi nhựa cao hơn trong các mẫu phân tích thu vào mùa khô (3,2 mg/m³) so với mùa mưa (2,3 mg/m³), chủ yếu là vi nhựa dạng sợi; Các điểm tích tụ nhiều rác thải nhựa (điểm nóng) bao gồm đảo Cát Bà (ngoài biển khơi) và vịnh Cát Bà. Trên sông Hồng, nồng độ giảm dần về phía thượng nguồn, hạ nguồn và các khu vực cửa sông. Nồng độ của vi nhựa gần cửa sông bị ảnh hưởng bởi thủy triều…

Chia sẻ về kết quả nghiên cứu của Dự án, GS. Thomas Wagner - Đại học Hariot Wyatt (Vương quốc Anh) cho biết, trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã ghi nhận nhiều khía cạnh khác nhau, qua đó nhận thấy một vấn đề quan trọng: Rác thải nhựa không tích tụ ở một chỗ mà có sự di chuyển từ trong đất liền ra bờ biển.

“Rác thải nhựa trôi theo mương, theo sông đổ ra bờ biển. Chúng chuyển động trong môi trường, ảnh hưởng tới sinh kế và nơi sinh sống của cộng đồng. Nghiên cứu của chúng tôi muốn làm rõ hơn tác động thật sự của nhựa tới con người ở mọi nơi, trong mọi cảnh quan, dọc theo các con sông và ở các thành phố lớn như Hà Nội” - ông Thomas Wagner chia sẻ.

gs-thomas-wagner-pld-1739890737.jpg
GS. Thomas Wagner - Đại học Hariot Wyatt (Vương quốc Anh).

Từ những kết quả đã nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra một số khuyến nghị nhằm giải thiểu rác thải nhựa và vi nhựa, cụ thể: Tăng cường cơ sở hạ tầng quản lý chất thải và thực thi các chính sách về giảm rác thải nhựa hiện có; Thúc đẩy hợp tác đa bên để thực hiện các nỗ lực quốc gia, địa phương với cam kết quốc tế một cách hiệu quả; Thúc đẩy thay đổi hành vi thông qua sự tham gia cộng đồng có mục tiêu và các ưu đãi cần thiết để khuyến khích sản xuất, sử dụng các sản phẩm thay thế nhựa.

Với nhu cầu cấp thiết về các chiến lược bền vững để chống ô nhiễm nhựa ở các vùng ven biển Việt Nam, bằng nghiên cứu khoa học liên ngành và sự hợp tác của các bên liên quan, Dự án 3SIP2C đã đóng góp tích cực cho việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển, bảo đảm sinh kế, đạt được tính bền vững kinh tế; đồng thời vẫn phù hợp với các ưu tiên quốc gia và cam kết môi trường toàn cầu.

Mai Phương