Xu hướng giảm lãng phí thực phẩm tại châu Âu

dang.pham

Bằng nhiều giải pháp khác nhau, các doanh nghiệp bán lẻ, startup công nghệ tại châu Âu đang tìm cách giảm lượng thực phẩm sản xuất dư thừa mỗi năm.

⅓ thực phẩm sản xuất ra trên thế giới không sử dụng mỗi năm, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Tại khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu, ước tính mỗi người dân lãng phí 115kg thực phẩm mỗi năm. Con số này ở khu vực Đông Nam Á và châu Phi vào khoảng 11kg/người/năm. Lượng thực phẩm không sử dụng trên toàn cầu mỗi năm sản sinh ra lượng khí thải carbon của Ấn Độ, tương đương với 4,4 tỉ tấn CO2 mỗi năm, FAO cho biết.

Trước vấn đề trên, các chuỗi bán lẻ thực phẩm và startup châu Âu đã tìm ra giải pháp giảm thiểu lượng thực phẩm lãng phí mỗi ngày.

S-market, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất tại Phần Lan với 900 cửa hàng, đã đề ra chương trình giảm tới 60% các sản phẩm tươi sống sau 9 giờ tối. Chuỗi này đặt ra mục tiêu giảm 15% thực phẩm lãng phí tới năm 2020. Chương trình này lập tức có tác dụng tại Phần Lan, quốc gia có mức sống cao nhất thế giới, khi có ngày càng nhiều khách hàng xếp hàng để chờ đợi đến giờ giảm giá.

Tại Đan Mạch, “Good to Go” một startup chuyên hợp tác với các cửa hàng thực phẩm, tiệm bánh mì, nhà hàng để phân phối thực phẩm thừa tới người tiêu dùng với mức giá rẻ, chỉ còn ⅓ so với ban đầu. Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, Good to Go đã “giải cứu” hơn 23 triệu món ăn, tương ứng với 58.000 tấn CO2 thải ra không khí.

Approved Food, một công ty của Anh, chuyên bán các thực phẩm dư thừa và sắp đến ngày hết hạn cho biết, thực phẩm thường xuyên rơi vào tình trạng lãng phí vì người tiêu dùng không phân biệt được các nhãn “sử dụng tốt nhất trước ngày...”, đơn thuần là một hướng dẫn chứ không phải quy tắc, và “hạn sử dụng”, có nghĩa là sau thời gian đó, thực phẩm không nên dùng.

Trên thực tế, các nhà sản xuất thực phẩm dùng các phương pháp bao gồm cả khoa học lẫn chút thủ thuật để thiết lập nên hạn sử dụng cho lô sản phẩm. Các nhà sản xuất cũng dán hạn sử dụng sớm hơn so với điều kiện khảo sát để chắc chắn sản phẩm đã được tiêu thụ từ lâu trước khi nó không còn an toàn hoặc có chất lượng tốt nhất.

Dâng Phạm


dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Xu hướng giảm lãng phí thực phẩm tại châu Âu" tại chuyên mục Khoa học quản lý.