Xanh hoá trong xây dựng Nhà máy tại Việt Nam

Mai Phương

20/09/2023 14:46

Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề hướng tới Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2023, sự kiện “Xanh hoá trong xây dựng Nhà máy tại Việt Nam 2023” đã được diễn ra vào ngày 19/9 tại Hà Nội. Chương trình được tổ chức bởi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) với sự đồng hành của Sika Việt Nam hướng tới mục tiêu nâng cao hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm về công trình công nghiệp và nhà xưởng xanh.

su-kien-xanh-hoa-nha-may-pld-1695184788.jpeg

Sự kiện “Xanh hoá trong xây dựng Nhà máy tại Việt Nam 2023” được tổ chức bởi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam.

Phát triển công trình công nghiệp xanh đã được các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Singapore chú trọng phát triển từ những năm 2007. Trong khi đó, tại Việt Nam vấn đề này mới được chú ý vào những năm 2010 – 2011. 

Hơn một thập kỷ sau, tính tới thời điểm hiện tại, tại Việt Nam có 234 dự án đã được cấp chứng nhận xanh, trên tổng số 484 dự án nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xanh (số liệu cập nhật từ Cổng thông tin Công trình Xanh Toàn cầu GBIG), một con số khá khiêm tốn khi so sánh với tốc độ phát triển của các quốc gia trong khu vực. 

Theo VCCI, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường hoặc chưa đủ nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường. Cụ thể, có đến 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường.

Vì thế, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm về công trình xanh, VGBC với sự hỗ trợ của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng đã tổ chức sự kiện “Xanh hoá trong xây dựng Nhà máy tại Việt Nam 2023” với thông điệp: Đầu tư cho Nhà máy xanh là một trong những bước đầu tiên của lộ trình xanh hóa dây chuyền sản xuất.

Ông Douglas Lee Snyder – Giám đốc điều hành VGBC chia sẻ về mục tiêu chương trình: “Sự kiện là nơi tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn có một bức tranh tổng thể về lộ trình đạt được Net Zero Carbon vào năm 2050 trong lĩnh vực công nghiệp và cách để đạt được những bước tiến đáng kể về tính bền vững trong thời gian tới. Với tư cách là tổ chức đại diện của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới tại Việt Nam, chúng tôi nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước có sự tiếp cận hiện thực hóa triển khai các tiêu chí xanh, chứng chỉ xanh cho các công trình xây dựng, đồng thời tăng cường đào tạo tập huấn chuyên sâu tới rộng rãi đội ngũ nhân sự chuyên môn tại Việt Nam”.

ong-douglas-lee-snyder-pld-1695184748.jpg

Ông Douglas Lee Snyder – Giám đốc điều hành VGBC.

Với 8 chuyên đề thảo luận, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đã chia sẻ những nghiên cứu, giải pháp và công cụ xoay quanh chủ đề “Xanh hoá trong Xây dựng Nhà máy" gồm: Xu hướng và cơ hội của nhà máy xanh, Kinh tế tuần hoàn, Xây dựng Xanh cho công trình nhà máy, Chứng nhận sản xuất và bù đắp năng lượng tái tạo tại chỗ, Từ nhà máy xanh đến sản phẩm xanh, Tối ưu hóa hiệu quả quy trình sản xuất, Chứng chỉ Lotus Green Building cho nhà máy, và Quy hoạch khu công nghiệp bền vững.

“Ngành công nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện theo định hướng phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế. Đây là một trong những kết quả đáng mừng cho Việt Nam trong các nỗ lực toàn quốc nhằm thực hiện thành công Chiến lược và Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp theo đúng quan điểm, mục tiêu, đường lối của Đảng, Chính phủ và trong bối cảnh thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” – ông Đinh Chính Lợi - đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết.

ong-dinh-chinh-loi-pld-1695184748.jpg

Ông Đinh Chính Lợi – đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng).

Là nhà tài trợ chính của sự kiện – Sika Việts Nam đã chia sẻ 2 chuyên đề tại chương trình, đó là: “Giải pháp thiết kế đến xây dựng Nhà máy và Khu công nghiệp hướng đến tiết kiệm và bảo toàn năng lượng” và “Hệ thống sàn công nghiệp đặc thù cho công trình nhà máy bền vững” nhằm cung cấp những góc nhìn thiết thực trong việc thiết kế xây dựng và các giải pháp vật liệu xanh dành cho công trình công nghiệp.

Theo đại diện Sika Việt Nam chia sẻ: “Thực hiện công trình công nghiệp xanh bằng cách sử dụng các giải pháp xanh cho sàn mái và sàn công nghiệp không chỉ là cách giúp các doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích về môi trường, chi phí đầu tư, vận hành công trình và đảm bảo môi trường làm việc trong lành, khỏe mạnh cho người lao động tại nhà máy; mà còn vượt kỳ vọng khi truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI tiếp bước, tạo nên làn sóng công trình xanh mạnh mẽ tại Việt Nam, qua đó góp phần đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các cam kết môi trường bền vững”.

Mai Phương
Bạn đang đọc bài viết "Xanh hoá trong xây dựng Nhà máy tại Việt Nam" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.