VPBank liên tục đón dòng vốn ngoại từ các tổ chức tài chính lớn

Quý Quý

02/12/2022 08:55

Khoản vay mới trị giá 150 triệu USD từ IFC giúp VPBank có thêm tiềm lực đáp ứng nhu cầu tín dụng cấp thiết của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đồng thời cho vay các dự án xanh, góp phần tạo dựng các giá trị bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

vpbank-1669945493.jpg

Việc VPBank huy động thành công một nguồn vốn lớn từ các định chế tài chính tên tuổi là minh chứng cho năng lực và uy tín của ngân hàng trên trường quốc tế

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa hoàn tất giải ngân cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khoản vay trị giá 150 triệu USD, tương đương gần 3.700 tỷ đồng.

Khoản vay 150 triệu USD từ IFC, với kỳ hạn 5 năm, sẽ được VPBank bổ trợ cho danh mục cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cùng nhiều dự án trong lĩnh vực môi trường và chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, việc IFC tin tưởng và giải ngân khoản vay 150 triệu USD cho VPBank một lần nữa khẳng định năng lực và uy tín của ngân hàng trên trường quốc tế. 

Mối quan hệ hợp tác giữa VPBank và IFC đã bắt đầu từ nhiều năm trước với nhiều khoản vay trị giá hàng trăm triệu USD được tổ chức này giải ngân cho VPBank. Cụ thể, trong khuôn khổ chương trình tài trợ cho vay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, IFC đã cung cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho VPBank trong năm 2020, giúp ngân hàng tăng cường thanh khoản để tiếp tục giải ngân các khoản vay mới cho khách hàng doanh nghiệp, trong khi giãn thời hạn trả nợ của các doanh nghiệp.

Trong năm 2020, IFC cùng các nhà đồng tài trợ quốc tế khác đã cấp cho VPBank một khoản tín dụng xanh trị giá 212,5 triệu USD, mở ra cơ hội tiên phong trong hoạt động cho vay các dự án xanh của ngân hàng tại thị trường Việt Nam.

Vừa qua, VPBank đã được Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC trao tặng giải thưởng "Ngân hàng dẫn đầu về Tài chính khí hậu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2022" hạng mục "Tổ chức tài chính đạt được Mục tiêu khí hậu cao nhất trong năm tài chính". Đây là ngân hàng duy nhất trong khu vực được trao giải trong hạng mục này.

Được biết trước đó, vào ngày 11/11/2022, VPBank đã ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, tương đương gần 12,5 nghìn tỷ đồng từ năm định chế tài chính lớn bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. – thành viên của Tập đoàn Ngân hàng đầu tư Maybank.

vpbank (2)

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hôm 11/11 đã ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD

 

Nguồn vốn từ khoản vay này sẽ được ngân hàng sử dụng để đáp ứng các nhu cầu tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, VPBank sẽ có thêm tiềm lực để hỗ trợ các dự án xã hội nhằm cải thiện cơ sở hạn tầng cơ bản, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.

Đáng chú ý, VPBank hiện là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công một Khung tài chính xã hội phù hợp với Nguyên tắc Trái phiếu Xã hội (Social Bond Principles) và Nguyên tắc Cho vay Xã hội (Social Loan Principles) quốc tế và đã được Morningstar Sustainalytics, công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu quản trị xã hội môi trường, xem xét và đánh giá, tạo tiền đề cho ngân hàng phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với định hướng phát triển bền vững của ngân hàng trong tương lai.

Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới đang trải qua nhiều khó khăn và biến động khó lường, việc VPBank huy động thành công một nguồn vốn lớn từ các định chế tài chính tên tuổi là minh chứng cho năng lực và uy tín của ngân hàng trên trường quốc tế. Nhờ chủ động đa dạng hóa nguồn vốn cả trong và ngoài nước, VPBank luôn không ngừng củng cố tiềm lực tài chính vững mạnh, đáp ứng được nhu cầu tín dụng gia tăng của khách hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và phát triển.

Khoản vay quốc tế nói trên là nguồn vốn được VPBank huy động thành công thứ 2 trong năm 2022, sau khi ngân hàng được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD vào tháng 4 vừa qua, từ các định chế tài chính lớn của châu Á như SMBC, Maybank, Ngân hàng Cathay United Bank, Ngân hàng CTBC và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.

Kết thúc quý 3/2022, tăng trưởng tín dụng của VPBank đạt 15,45%, cao hơn mức trung bình ngành 10,96%. Lợi nhuận trước thuế (PBT) hợp nhất của ngân hàng tăng trưởng tích cực, đạt hơn 19,8 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng là mảng ngân hàng bán lẻ, với quy mô và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng bán lẻ của VPBank, bao gồm cho vay khách hàng cá nhân, SME và FE Credit, đã vươn lên đóng góp gần 70% tổng dư nợ cấp tín dụng của VPBank, với tăng trưởng đạt khoảng 20% so với đầu năm, đưa ngân hàng vào top dẫn đầu thị trường trong mảng bán lẻ.

Quý Quý