Vốn ngoại đổ mạnh vào ngành chế biến chế tạo

minhtam

Vốn FDI vào ngành chế biến chế tạo chiếm gần 80% tổng số đăng ký mới. Lượng góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành này gấp ba lần cùng kỳ năm 2018.

Vốn ngoại (cả đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và lượng góp vốn mua cổ phần tại các doanh nghiệp) vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tăng mạnh trong năm 2019.

Tính đến ngày 20.12, vốn FDI vào ngành chế biến, chế tạo đạt kỷ lục 17,5 tỉ USD, chiếm 77,5% tổng vốn đăng ký, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố. Những năm trước, ngành này nhận trên dưới 15 tỉ USD vốn FDI và chiếm khoảng 50-60% tổng số vốn.

Trong khi đó, số tiền chảy vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo qua hình thức góp vốn, mua cổ phần năm nay đạt 7,09 tỉ USD, chiếm 46% và gấp ba lần năm 2018.

Sự dịch chuyển dòng vốn ngoại vào ngành sản xuất được dự báo từ năm 2018 và rõ nét hơn trong năm 2019. Chiến tranh thương mại Mỹ Trung kéo theo làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những lựa chọn có nhiều lợi thế. Việt Nam cũng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu từ mới.

Từ đầu năm tới nay, một loạt các dự án hàng trăm triệu USD được khởi động. Nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới của Mỹ - Universal Alloy Corporation Asia Pte., Ltd lập nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine với vốn đăng ký 170 triệu USD tại Đà Nẵng hồi tháng 3. Nhà máy này sản xuất, gia công và lắp ráp các bộ phận, linh kiện hàng không vũ trụ bằng hợp kim nhôm và composite. Hay nhà đầu tư Singapore rót 200 triệu USD tại Nghệ An để sản xuất vải và nhuộm vải dệt kim.

GoerTek – một trong những đối tác sản xuất quan trọng của Apple tại Trung Quốc đầu tư 260 triệu USD mở nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh.

Foxconn (Đài Loan) được biết đến với việc sản xuất iPhone, iPad cho Apple - đã thuê 10 héc-ta khu công nghiệp Đông Mai - Viglacera (Quảng Ninh) để sản xuất linh kiện màn hình ti-vi sau khi mở các nhà máy tại Bắc Ninh, Bắc Giang... từ năm 2007. Theo nhận định của tờ Bưu điện Nam Trung Hoa Buổi sáng, nhà sản xuất theo đơn đặt hàng lớn nhất thế giới này (hiện có hơn 100 công ty và các chi nhánh tại các nước) đã dịch chuyển sản xuất trong bối cảnh đối mặt với một tương lai "không chắc chắn" tại Trung Quốc khi chiến tranh thương mại leo thang.

Cùng với đó, trong năm nay, bất động sản công nghiệp Việt Nam có thời gian tăng trưởng mạnh mẽ nhờ làn sóng dịch chuyển này. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, các khu công nghiệp và vùng kinh tế thu hút vốn nước ngoài gần 340 dự án với tổng mức đầu tư gần 8,7 tỉ USD trong thời gian này, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Tính đến giữa năm 2019, cả nước có tổng cộng 326 khu công nghiệp với trên 95 nghìn héc-ta trong đó có 251 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động cũng theo cơ quan này. Tỉ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đang hoạt động là 74%.

Thái Hoàng

minhtam