Vinpearl Air muốn bay vào năm 2020

minhtam

01/01/2020 18:02

Vinpearl Air - hãng hàng không thuộc Tập đoàn Vingroup dự kiến bay vào tháng 7.2020, tham gia vào thị trường hàng không đang ngày càng chật chội và tốc độ tăng trưởng đang chững lại.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý dự án vận tải hàng không của Vinpearl Air với vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng. Sân bay căn cứ được đặt tại Nội Bài.

Dự kiến chuyến bay chở khách đầu tiên của Vinpearl Air sẽ cất cánh vào tháng 7.2020. Hãng sẽ thuê cả sáu chiếc máy bay thân hẹp (150-220 ghế) đồng thời bằng cả hai hình thức thuê khô (không kèm phi công và tiếp viên) và thuê ướt (kèm phi công và tiếp viên). Trung bình mỗi năm hãng bổ sung thêm khoảng 6 tàu bay, đến năm 2025 đội bay ổn định khoảng 30 chiếc, bay các tuyến nội địa lẫn quốc tế.

Nội Bài - sân bay căn cứ của Vinpearl Air. (Ảnh: ACV).
Nội Bài - sân bay căn cứ của Vinpearl Air. (Ảnh: ACV).

Hiện cả nước đang có 5 hãng hàng không đang khai thác thương mại gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Paciffic, Bamboo Airway và Vasco trong đó Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC vừa tham gia thị trường được một năm.

Ngoài Vinpearl Air, hai hãng khác cũng đang chờ cấp phép là Vietravel Airlines và Kite Air. Các hãng hàng không cần được Thủ tướng chính phủ phê chuẩn trước khi chính thức cất cánh.

Việt Nam là một trong những thị trường hàng không hấp dẫn nhất thế giới, theo đánh giá của Tổ chức thông tin hàng không quốc tế OAG.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điểm cất/hạ cánh và điểm đỗ tại các sân bay đang dần trở nên quá tải. Tất cả các cảng hàng không hiện có 401 điểm đỗ để khai thác và đỗ qua đêm. Tuy nhiên hai sân bay lớn nhất là sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đều không còn điểm đỗ (sân bay Nội Bài sẽ hết trong thời gian tới).

Đường bay Hà Nội - TP.HCM hiện đứng thứ 6 trong số các đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới, với tần suất gần 40.000 chuyến mỗi năm, theo báo cáo năm 2019 của OAG. Các hãng bay hiện nay đã khai thác gần hết công suất của đường bay này, là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Tốc độ tăng trưởng lượng khách nội địa đang giảm dần. Thay vì hơn 20% trong giai đoạn trước năm 2016, đến nay, tăng trưởng khách nội địa ở vào khoảng trên 10% - theo số liệu từ Tổng Cục Hàng không Việt Nam. Một nhân sự cấp cao trong ngành hàng không dự báo tỷ lệ tăng trưởng sẽ chỉ còn một con số trong vài năm tới. Các hãng hàng không đang tích cực mở đường bay quốc tế mới, mở rộng thị trường.

Cạnh tranh trong ngành hàng không không chỉ đến từ cơ sở hạ tầng quá tải. Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn các hãng bay nước ngoài. Hết năm 2018, 68 hãng nước ngoài nắm tới 57% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế và gần 87% thị phần hàng hóa.

Vietnam Airlines và Vietjet - hai hãng hàng không trong nước chi phối thị phần bay có doanh thu vận tải hàng không trong sáu tháng đầu năm tăng trưởng lần lượt 3,9% và 7,8% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo soát xét bán niên. Trong khi đó, năm 2018, mức tăng trưởng được ghi nhận lần lượt 46,4% và 14% so với 2017.

Minh Tâm

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Vinpearl Air muốn bay vào năm 2020" tại chuyên mục Khoa học quản lý.