Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư bất động sản, bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ với những giải pháp giúp các đô thị phát triển thông minh hơn, bền vững hơn, mang lại tiện ích cho người dân, đồng thời kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
Theo cáo cáo Bộ Xây dựng năm 2022, sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. hơn 40 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện. Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.
Hưởng ứng và đồng hành với các chủ trương chính sách của Chính phủ, Giải thưởng Thành phố Thông minh không chỉ là sự công nhận những nỗ lực, thành tích của chính quyền các cấp, mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển. Đến nay, đã có 142 giải thưởng đã được trao, trong đó có 23 giải cho các đô thị, 03 giải dành cho các dự án bất động sản, 116 giải dành cho các giải pháp công nghệ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, nhà đầu tư bất động sản, các doanh nghiệp công nghệ với những giải pháp giúp các đô thị phát triển thông minh, bền vững hơn, mang lại tiện ích cho người dân. Đồng thời tạo cơ hội kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng, phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
Sau gần 3 tháng triển khai kể từ ngày 20/7/2023, Giải thưởng nhận được 100 đề cử. Qua 3 vòng đánh giá, Hội đồng với 20 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực như quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, quản lý nhà nước… đã lựa chọn, trao 32 giải gồm: 7 giải thưởng cho 4 đơn vị quản lý đô thị, một giải thưởng dành cho bất động sản công nghiệp và 24 giải thưởng dành cho các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc, từ 19 doanh nghiệp. Trong đó, TP. Hà Nội được trao giải thưởng “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.
Hà Nội đã đưa cụm từ “thông minh” vào trong Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên mới. Đồng thời, Hà Nội cũng đang tập trung triển khai hạ tầng số và Trung tâm dữ liệu để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV/2023.
Thành phố Đà Nẵng đã vinh dự nhận giải thưởng trong các lĩnh vực thành phố điều hành, Quản lý - Hạ tầng - Dịch vụ công thông minh, thành phố Quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch, thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Đà Nẵng được tôn vinh là Đơn vị xuất sắc trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam 2023.
Tỉnh Tây Ninh được vinh danh với hạng mục Thành phố điều hành, Quản lý thông minh (IOC), và TP. HCM là đơn vị có Các ứng dụng thông minh đang được triển khai, áp dụng thực tế đem lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng, xã hội.
Giải thưởng thành phố thông minh 2023 cũng chứng kiến sự phát triển của các giải pháp công nghệ tích hợp các xu hướng công nghệ mới đặc biệt là IoT và AI. Các giải pháp này hầu hết do các doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, phát triển. 24 giải pháp số được trao Giải thưởng thành phố thông minh từ 19 doanh nghiệp, trong đó, 01 Giải pháp xuất sắc được Hội đồng giám khảo bình chọn 5 sao được trao cho Nền tảng Beca Smart City của Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam - Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC).