Tại Châu Phi, Viettel đã có mặt tại bốn nước bao gồm Burundi, Mozambique, Cameroon, Tanzania, thuộc nhóm những quốc gia nghèo và kém phát triển nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người dưới 1.500 USD/người. Thu nhập bình quân đầu người của Burundi chỉ đạt 275 USD/người, theo WorldBank.
Viettel chọn phát triển các dịch vụ mới tại các quốc gia nghèo và hướng đến thống lĩnh thị trường. Viettel cho biết, công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ ví điện tử tại Burundi từ tháng 3.2017 và hiện xây dựng kênh phân phối dịch vụ mobile money lớn nhất tại đây với gần 16,8 đại lý, bao phủ 86% diện tích quốc gia này.
Khác với các dịch vụ ví điện tử ở Việt Nam, mobile money của Lumitel thuộc Tập đoàn Viettel có thể sử dụng trên cả các dòng điện thoại sử dụng mạng 2G. Viettel cho biết, có tới 1,4 triệu thuê bao Lumitel đang được sử dụng tại Burundi, chiếm hơn 60% thị phần. Viettel cũng cho biết hiện ví điện tử Lumitel của tập đoàn đã vận hành có lãi.
Người dân tại Burundi sử dụng hình thức ví điện tử “mobile money” như Lumitel của Viettel để thực hiện các dịch vụ như chuyển tiền, rút tiền, thanh toán thuế, phí, thanh toán tiền điện, nước, mua thẻ cào. Tỉ lệ người dân dùng ví điện tử chiếm trên 18%, Viettel cho biết, cao hơn so với tài khoản ngân hàng đang chiếm khoảng 7% dân số.
Không chỉ Viettel mà khu vực châu Phi cũng là nơi mà các nhà mạng lớn trên thế giới phát triển dịch vụ mobile money như M-Pease của tập đoàn viễn thông Vodafone (Anh), MTN m-money của Vodafone tại Uganda và Econet EcoCash tại Zimbabwe. Hiện M-Pease đang là ví điện tử lớn nhất của Kenya, thị trường mobile money điển hình của khu vực châu Phi với 15 triệu khách hàng, chiếm gần 40% dân số nước này. M-Pease cũng đồng thời cũng là công ty viễn thông có thị phần cao tại nước này.
Đặc trưng của mobile money là hình thức ví điện tử phát triển bởi các nhà mạng viễn thông, thay vì các công ty fintech như tại Việt Nam. Những năm gần đây, mobile money được xem là một chìa khóa quan trọng để phát triển các giải pháp tài chính cho thị trường mới nổi. Hình thức này cũng được xem là giải pháp thúc đẩy kinh tế của các nước nghèo, theo Harvard Business Review.
Các giải pháp thông qua điện thoại có thể lấp đi khoảng trống do cơ sở hạ tầng yếu kém như đường xá, cho phép thông tin và dịch vụ, thị trường, việc kinh doanh có thể truyền tải nhanh hơn và hiệu quả hơn. Theo nghiên cứu của London Business School cho thấy, cứ 10 điện thoại tăng thêm trong số 100 người sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP tăng 0.6 điểm phần trăm, tại các quốc gia phát triển, con số này thậm chí còn có thể cao hơn.
Dâng Phạm