Vietnam Airlines lỗ lũy kế gần 1 tỷ USD, 'án' huỷ niêm yết treo lơ lửng

Nguyên An

27/11/2021 15:27

Khoản lỗ nghìn tỷ kéo dài từ năm ngoái đang khiến hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất Quý III. Doanh thu trong khoảng thời gian này đạt 4.735 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Doanh thu chỉ bằng hơn 60% giá vốn đã khiến Vietnam Airlines lỗ gộp hơn 3.000 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí khác, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 3.460 tỷ đồng, phần lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là -3.369 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, công ty cũng lỗ ròng 2.932 tỷ đồng. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt hơn 18.700 tỷ đồng doanh thu, giảm đáng kể so với mức 32.410 tỷ đồng của cùng kỳ. 

Lỗ ròng 9 tháng là 11.827 tỷ đồng, tăng lỗ hơn 3.700 tỷ so với mức 8.076 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2020.

Tính đến cuối quý 3, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến 21.200 tỷ đồng. Mặc dù hãng đã hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên 22.144 tỷ đồng nhưng hiện vốn chủ sở hữu cũng chỉ còn 1.475 tỷ đồng. 

Như vậy Vietnam Airlines vẫn rất cận kề nguy cơ bị hủy niêm yết nếu xảy ra 1 trong 2 trường hợp sau khi có báo cáo kiểm toán năm 2021 là lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hoặc âm vốn chủ sở hữu. Điều này sẽ không xảy ra nếu mức lỗ của quý 4 dưới 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra nếu năm 2022 Vietnam Airlines vẫn không thể có lãi thì sẽ có 3 năm lỗ liên tiếp và đây cũng là 1 trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc. 

anh-minh-hoa-2-1637971145.jpg

Tuy vậy, nhờ đợt tăng vốn gần đây nên tình hình thanh khoản của Vietnam Airlines đã cải thiện hơn đáng kể. Tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại thời điểm cuối quý 3 đạt gần 8.300 tỷ đồng trong khi cuối quý 2 chỉ có 1.600 tỷ đồng. 

Hiện tại, Vietnam Airlines đang chờ cơ hội phục hồi vào đầu năm tới cũng như việc được cấp FAA bay thẳng sang Mỹ. Hãng cũng lấn sân vào mảng mới là thương mại điện tử với hy vọng khai thác lợi ích triệt để từ đối tượng khách du lịch.

Cục Hàng không Việt Nam gần đây cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép bay nội địa trở lại bình thường từ tháng 12 trở đi.

Cụ thể, tăng tần suất khai thác giai đoạn đường bay Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh/Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng từ ngày 1 đến 14/12/2021, khai thác với tần suất 16 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay được phân bổ cho các hãng hàng không khai thác Vietnam Airlines 5 chuyến, Vietjet Air 5 chuyến, Bamboo Airways 3 chuyến, Pacific Airlines 2 chuyến, Vietravel Airlines 1 chuyến.

Từ ngày 15 đến 31/12/2021, khai thác với tần suất 20 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay (dự kiến phân bổ cho các hãng hàng không Vietnam Airlines 6 chuyến, Vietjet Air 6 chuyến, Bamboo Airways 4 chuyến; Pacific Airlines 3 chuyến; Vietravel Airlines 1 chuyến.

Các đường bay khác trong thời gian nêu trên được khai thác tổng cộng không quá 9 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.

Nguyên An