Sau hơn 20 năm (kể từ tháng 11.1998 - khi con tàu đầu tiên cập cảng container chuyên dụng VICT), sản lượng hàng hóa container thông qua các cảng của Việt Nam ở mức 15,3 triệu TEUs, tăng trưởng 13%, theo báo cáo của Hiệp hội cảng biển Việt Nam (VPA), chiếm khoảng 2% sản lượng toàn cầu.
Cụm cảng TP.HCM với các khu cảng Cát Lái, Hiệp Phước và Cái Mép - Thị Vải dẫn đầu về sản lượng của cả nước. Trong đó cảng Cát Lái (TP.HCM) là cảng có sản lượng hàng container lớn nhất, với 5,4 triệu TEUs. Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải có công suất 2,9 triệu TEUs. Ở phía Bắc, hàng container chủ yếu cập cảng Hải Phòng.
Các cảng Việt Nam nằm trên luồng hàng hải Đông - Tây, đi qua eo Malacca, trong khu vực châu Á chiếm tới 64% sản lượng hàng container của toàn thế giới, theo thống kê của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD). Trong số 20 cảng lớn nhất thế giới, khu vực châu Á đóng góp 15 cảng. Riêng Trung Quốc chiếm đến 10/20 cảng biển thuộc danh sách này (bao gồm cả cảng Hồng Kông và Cao Hùng).
Sự phát triển của thương mại toàn cầu, đặc biệt với Trung Quốc trong ba thập kỷ qua đã thúc đẩy ngành vận tải container và cơ sở hạ tầng, nhất là của khu vực châu Á lớn mạnh. Với vị trí tương tự Việt Nam, Singapore hiện đang là cảng có sản lượng hàng container lớn thứ hai thế giới với vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa hàng đầu. Sản lượng hàng hóa quá Singapore đạt 37,2 triệu TEUs năm 2019, gấp 5 lần khu vực TP.HCM (gồm cả cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải). Các cảng Klang, Tanjung Pelepas (Malaysia), Laem Chabang (Thái Lan) hay Jakarta (Indonesia) có sản lượng lớn hơn cụm cảng TP.HCM.
Ngành cảng biển thế giới nhìn chung đã bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định, tăng trưởng về nhu cầu hàng hóa thông qua cảng biển đã giảm mạnh từ mức 10,8%/năm trong giai đoạn 2000-2005 xuống còn 5,1%/năm trong giai đoạn 2010-2015. Dự báo, sản lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển trên thế giới sẽ tăng trưởng bình quân 2-3%/năm trong giai đoạn 2015-2020, với động lực tăng trưởng chính đến từ Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, theo một báo cáo được FPTS tổng hợp từ UNCTAD.
Năng lực cung cấp đội tàu container tăng 6% trong năm 2018, so với 4% trong năm 2017. Công suất như vậy đã vượt qua sự mở rộng trong thương mại container đường biển toàn cầu, chỉ tăng 2,6%, theo UNCTAD. Sự mất cân đối giữa cung và cầu khiến giá cước vận tải trên các tuyến container chính giảm mạnh nửa đầu năm 2018, xuống còn 1.200 USD/FEU như trên tuyến Thượng Hải - Mỹ.
Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 29 trong số 35 nước sở hữu đội tàu lớn nhất, tính theo trọng tải. Ở ngành hàng hải, 70% đội tàu biển thế giới được đăng ký dưới cờ của một nước khác. Tại Việt Nam, tỉ lệ đội tàu gắn cờ quốc gia lên tới 81%. Hiện năm nền kinh tế chủ tàu hàng đầu gồm Hy Lạp, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm hơn 50% trọng tải thế giới.
Tâm Phạm