Việt Nam nhập siêu lớn nhất 6 năm, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc tăng hơn 47%

Diệu Quang

10/09/2021 08:22

Sau 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu lũy kế 3,7 tỷ USD - mức lớn nhất kể từ tháng 7/2015 tới nay. Trong đó, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng trưởng 47,1% so với cùng kỳ 2020.

xuat-khau-1631236798.jpg
Việt Nam đã nhập siêu lũy kế lớn nhất trong vòng 6 năm.

Chứng khoán Bảo Việt  (BVSC) vừa công bố báo vĩ mô tháng 8 cho biết Việt Nam đã nhập siêu lũy kế lớn nhất trong vòng 6 năm.

Nhóm phân tích dẫn số liệu của Tổng cục thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 5,41% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 21,16%. 

Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2%; trong khi nhập khẩu ước đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,76%. Do đó, cán cân thương mại tiếp tục ở trạng thái nhập siêu, ở mức 3,7 tỷ USD, mức lớn nhất kể từ tháng 7/2015 tới nay. 

z2748289194962-0071bf82c433624c4688ee5ad0f7568a-1631183460.jpg

Nguồn BVSC

Theo BVSC, tất cả các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu dương trong 8 tháng đầu năm 2021. Trong đó, thị trường Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với mức tăng trưởng 32,5%. Đối với thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, cùng mức tăng trưởng 47,1%. 

BVSC cho rằng nguyên nhân của việc nhập siêu lớn trong thời gian vừa qua có thể đến từ việc nhập khẩu tăng mạnh do lượng đơn hàng tư liệu sản xuất lớn (8 tháng đầu năm chiếm trên 94% tổng giá trị nhập khẩu và tăng 34,4%); trong khi xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chỉ tăng khoảng 22,5% do hoạt động sản xuất gặp khó khăn. Việc cán cân thương mại thâm hụt tháng thứ 4 liên tiếp và có thể tiếp diễn trong những tháng tới sẽ tạo áp lực lên cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam.

Về các mặt hàng, nhóm công nghiệp chế biến tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất. Đặt biệt, giá trị xuất khẩu sắt thép tăng tới 2 lần so với cùng kỳ. Giá thép trên thị trường thế giới tăng mạnh kèm theo việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng sản xuất thép đã giúp xuất khẩu thép của Việt Nam được hưởng lợi. Xuất khẩu thép vào các thị trường ASEAN, Trung Quốc, EU đều tăng rất mạnh, lần lượt ở mức 2, 3 và 8 lần, so với cùng kỳ.

z2748291474850-449b1aa6289fa0191abf5a31c338f63b-1631183456.jpg

Nguồn BVSC

Nhóm các sản phẩm máy móc, điện thoại di động và linh kiện tiếp tục ghi nhận sụt giảm. Việc sản xuất bị ảnh hưởng đã khiến cho tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng này giảm đáng kể, xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua. 

Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản đạt mức tăng trên 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo giảm 6,78% YTD, mức giảm mạnh nhất trong 6 tháng trở lại đây. Cạnh tranh trên thị trường thế giới cùng khó khăn trong việc lưu thông tại một số cảng đã ảnh hưởng tới sản lượng xuất khẩu của mặt hàng này.

Diệu Quang