Việt Nam là một trong những thị trường tốt nhất cho fintech

dang.pham

20/10/2019 16:59

Vừa có thị trường đủ rộng với nhiều tiềm năng chưa khai thác, vừa có nguồn nhân lực tốt, Việt Nam đang là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực fintech (tài chính công nghệ).

Tiềm năng cho lĩnh vực fintech

Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019, Tiến sĩ Nguyễn An Nguyên, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty Trusting Social chia sẻ với lãnh đạo thành phố, “đối với chúng tôi, Việt Nam là một trong những quốc gia tốt nhất cho việc phát triển các dịch vụ fintech vì tính năng động của người dân, cùng với sự phát triển kinh tế”.

Trusing Social là một fintech chuyên xếp hạng tín nhiệm khách hàng, hiện đã có văn phòng đại diện tại các nước Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Singapore và Australia. Startup này đã gọi được 25 triệu USD cho vòng gọi vốn đầu tiên, một trong những thành tích gọi vốn vòng đầu tốt nhất Đông Nam Á.

Tiến sĩ Nguyễn An Nguyên cho rằng, Việt Nam có nguồn nhân lực tiềm năng trong ngành công nghệ nếu so với các nước khác trong khu vực Asean. Singapore có nền giáo dục rất tốt nhưng không có nhiều nhân lực và thị trường đủ lớn, chỉ khoảng 5,6 triệu người (năm 2018). Trong khi Indonesia có dân số đông, hơn 260 triệu người, gần gấp ba lần Việt Nam, nhưng lại nền giáo dục không mở như Việt Nam.

Bên cạnh nguồn nhân lực dồi dào là thị trường tiềm năng tại Việt Nam, khi phần lớn người trưởng thành vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, trong khi điện thoại di động hầu như đã được trang bị đầy đủ cho tất cả mọi người.

Theo báo cáo công bố gần đây của Google và Temasek, Viêt Nam có gần 70% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng - vượt trội so với mức bình quân khu vực sáu nước Đông Nam Á được nghiên cứu (Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia) - ở mức gần 50%.

Trong khi đó, trung bình cứ 100 người Việt Nam sẽ có 147 chiếc điện thoại lưu hành, tỉ lệ này của Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới, theo đánh giá của World Business Forum (WBF) trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Ngoài ra, tỉ lệ người dân tiếp cận với internet của Việt Nam cũng đang đạt mức cao. Hơn 70% người Việt Nam trên độ tuổi lao động tiếp cận với internet. Tổ chức này cũng đưa ra đánh giá, trong vòng một năm qua, Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin ở mức độ cao.

Trong năm vừa qua, khả năng tiếp nhận thông tin của Việt Nam đã tăng đột phá sau một năm và đạt ngang mức trung bình của các nước Khu vực Tây Á và Thái Bình Dương, theo xếp hạng của World Business Forum.
Trong năm vừa qua, khả năng tiếp nhận thông tin của Việt Nam đã tăng đột phá sau một năm và đạt ngang mức trung bình của các nước Khu vực Tây Á và Thái Bình Dương, theo xếp hạng của World Business Forum.

Thách thức đặt ra với fintech Việt Nam

Theo tiến sĩ An Nguyên, thách thức của Việt Nam nằm ở việc chậm trong việc cải cách pháp lý. Ông dẫn chứng, các cơ quan nhà nước của Singapore luôn tạo điều kiện khuyến khích hỗ trợ chi phí nên có nhiều startup chọn Singapore để thành lập công ty, mở các trung tâm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI). Một số quốc gia đã có cơ chế sandbox và Việt Nam đang nghiên cứu để áp dụng cơ chế này. Nhìn từ góc độ của một startup trong lĩnh vực fintech, ông Nguyên cho biết, nếu không có các cơ chế thử nghiệm như sandbox thì sẽ rất khó mở cửa thị trường.

Sandbox là một cơ chế giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo có môi trường để thử nghiệm. Trong đó, các cơ quan quản lý có thể dễ dàng giám sát và rút ngắn thời gian nghiên cứu thực nghiệm trong việc đưa ra các luật mới. tại khu vực Đông Nam Á cũng đã có bốn Quốc gia xây dựng và triển khai sandbox bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Tại Indonesia, với cơ chế sandbox, các startup fintech không cần đợi giấy phép của các bộ ngành liên quan mà được phép thực hiện. Quy định sau đó sẽ theo để xem các tổ chức quy định như thế nào vì đây là những lĩnh vực hoàn toàn mới. “Điều này giúp cơ sở pháp lý trở nên chín muồi, đi theo những hành vi của thị trường thay vì những quy định đã có sẵn, không còn phù hợp”, ông Nguyên nói.

“Tôi muốn khuyến nghị, chúng ta không phải thay đổi toàn bộ hệ thống mà có thể làm mọi thứ nhanh hơn bằng cách tạo ra các bộ quy định riêng phục vụ cho việc chuyển đổi số”, ông Rolfe đến từ KPMG Việt Nam nhận định.

Dâng Phạm

dang.pham