Cũng theo ông Khôi, doanh nghiệp môi giới cũng trở nên thận trọng hơn thông qua việc lựa chọn kỹ chủ đầu tư (CĐT) và sản phẩm phân phối. Theo khảo sát mới đây của DXS – FERI, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của các doanh nghiệp môi giới khi lựa chọn sản phẩm để môi giới bán hàng trong giai đoạn này.
Cụ thể, pháp lý bán hàng an toàn (27%); phí trả nhanh (25%); uy tín CĐT (14%); sản phẩm phù hợp túi tiền (12%); CĐT truyền thông mạnh về dự án (10%); các yếu tố khác (11%).
Theo đó, ưu tiên lựa chọn dành cho pháp lý bán hàng an toàn và trả phí nhanh đã chiếm hơn 50% quyết định của doanh nghiệp môi giới. Bên cạnh đó, uy tín của CĐT, loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực, phù hợp túi tiền cũng được nhiều người lựa chọn. CĐT cũng cần phải làm truyền thông mạnh về dự án, hỗ trợ đại lý, sàn môi giới trong việc thu hút và tư vấn khách hàng – đây cũng là yếu tố quan trọng nằm trong top 5 các yếu tố lựa chọn sản phẩm môi giới.
Khi sàn môi giới thận trọng hơn, “chọn mặt gửi vàng” trong việc lựa chọn sản phẩm môi giới, thì áp lực buộc các CĐT phải làm chỉnh chu hơn, tử tế hơn để có thể chào bán dự án thành công. Điều này về lâu dài sẽ tác động tích cực đến thị trường chung, và khôi phục được niềm tin từ khách hàng mua BĐS.
Khảo sát mới nhất thực hiện vào tháng 9/2023 đối với cá nhân môi giới đã nghỉ việc về thời điểm dự kiến quay trở lại nghề môi giới BĐS, tín hiệu tích cực khi 11% cho biết đã trở lại nghề trong quý 3/2023; 38% số người tham gia cho biết sẽ trở lại khi thị trường đã hồi phục; 24% cho biết đang phân vân, chờ tình hình thị trường năm 2024 sẽ quyết định sau; chỉ có 27% người được hỏi cho biết đã đổi nghề, không có ý định quay lại ngành BĐS.
Theo DXS-FERI, bước vào quý 4/2023, đã 1 năm trôi qua sau thời điểm thị trường BĐS suy giảm sâu, với nỗ lực của tất cả các bên từ Chính phủ đến doanh nghiệp, đến nay dù vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, nhưng đã có dấu hiệu thị trường từ từ bớt xấu. Dự kiến sắp tới, thị trường sẽ đón nhận nguồn cung mới từ các dự án đã được tháo gỡ về pháp lý.
Nguồn cung thứ cấp sẽ ổn định và khá đa dạng, khi được bổ sung thêm nhiều dự án sắp bàn giao. Hiện tại, lãi suất cho vay giảm về khoảng 10%/năm. Kỳ vọng trong quý 4, mức lãi suất sẽ được duy trì, cũng như khách hàng được hỗ trợ nhiều hơn về hạn mức tín dụng vay mua BĐS. Quý 4 cũng là quý được kỳ vọng tâm lý nhà đầu tư dần chuyển hướng từ quan sát sang lựa chọn sản phẩm phù hợp để xuống tiền.
Trong nỗ lực vượt thách thức, các CĐT đang tập trung nhiều hơn vào các chính sách dành cho khách hàng và người làm môi giới. Để đẩy mạnh chương trình “gom” đặt chỗ (booking), “gom” khách hàng, nhiều CĐT đã giảm số tiền nhận giữ chỗ có hoàn lại nhằm thu hút sự quan tâm và tạo sự thuận tiện cho khách hàng mua sản phẩm của các dự án.
Trước đây, tiền booking thường từ khoảng 50 triệu - 100 triệu đồng/sản phẩm, tuy nhiên hiện nay chỉ giảm còn 30 triệu đồng/sản phẩm. Đơn cử như dự án Bcons Polaris (từ 30 triệu xuống 20 triệu đồng/sản phẩm); Bcons City (từ 30 triệu xuống 10 triệu đồng/sản phẩm); MT Eastmark (từ 50 triệu xuống 30 triệu đồng/sản phẩm); Vinhomes Grand Park (từ 50 triệu xuống còn 30 triệu đồng/sản phẩm). The 5 Way Concept (từ 30 triệu xuống 15 triệu đồng/sản phẩm).
Bên cạnh đó, nhiều CĐT tăng phí môi giới cho đại lý, tăng thưởng thưởng nóng cho nhân viên kinh doanh (NVKD), như dự án The Rivana (tăng thưởng từ 10 triệu lên 25 triệu đồng/sản phẩm); Bcons Polaris (tăng thưởng từ 5-8 triệu lên 10 – 15 triệu/sản phẩm); Royal River City (tăng thưởng thêm 03 chỉ vàng trị giá 19,8 triệu đồng/sản phẩm)…
Khác với giai đoạn trước, đến cuối quý 3/2023, thị trường không còn ghi nhận được việc các sản phẩm BĐS chào bán mới bị cắt giảm giá sâu, thậm chí giá bán mới hàng sơ cấp đã bắt đầu tăng nhẹ 2%-5%. Có thể nói thị trường đã chạm đáy, và hoàn toàn có thể dự báo thị trường BĐS sẽ dần hồi phục và tăng trưởng từ vùng đáy.