Vì sao Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chọn thăm Nhà tù Hỏa Lò đầu tiên sau khi đến Việt Nam?

Tường Thụy

29/07/2021 15:41

“Tôi thật sự muốn một trong những điểm dừng chân đầu tiên của tôi ở Việt Nam là Nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội. Đó là lời nhắc nhở rõ ràng về cái giá của chiến tranh, về nguyên nhân tại sao quan hệ song phương mạnh mẽ giữa Mỹ với Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ hy sinh của chúng ta”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin viết trên trang Twitter chính thức của ông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã chọn di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) là điểm đến thăm đầu trong chuyến công tác Việt Nam lần đầu của ông vào ngày 28-29/7/2021.

my-on-1627547406.jpeg
Bộ trưởng Lloyd Austin giải thích lý do đến Hỏa Lò trên Twitter chính thức.

“Tôi thật sự muốn một trong những điểm dừng chân đầu tiên của tôi ở Việt Nam là Nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội. Đó là lời nhắc nhở rõ ràng về cái giá của chiến tranh, về nguyên nhân tại sao quan hệ song phương mạnh mẽ giữa Mỹ với Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ hy sinh của chúng ta”, Bộ trưởng Austin viết trên trang Twitter chính thức của ông.

Và lựa chọn Hỏa Lò để ghé đầu tiên cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quan tâm đến lịch sử Việt Nam như thế nào.

Trong một đợt công tác dài ngày tại Hà Nội, người viết bài này có đến giao dịch với Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tại tầng trệt của tòa nhà Tháp Hà Nội (Hanoi Tower) nên biết về di tích nhà tù Hỏa Lò sát đó. Tìm hiểu thì được biết vào năm 1994, phần lớn khối bê tông cốt thép trước kia được thực dân Pháp đưa từ Pháp sang để xây dựng Hỏa Lò đã nhường chỗ -- nền cũ của nhà giam ngày đó đã là Hanoi Tower cao ngất với mặt tiền của phố Lý Thường Kiệt và phố Thợ Nhuộm thuộc trung tâm thủ đô. Hỏa Lò chỉ còn lại một phần diện tích nhỏ ở góc phía Đông Nam, nơi là cổng chính ngay từ thời Pháp, được giữ lại và trở thành di tích lịch sử và Đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng bị tù đày, mở cửa suốt ngày cho khách vào tham quan, để hiểu thêm về truyền thống đấu tranh của những người yêu nước Việt Nam dưới chế độ thực dân Pháp. Và Hỏa Lò cũng từng lưu dấu của một cựu chiến binh Mỹ có nhiều đóng góp trong phát triển quan hệ Việt - Mỹ.

Người đó là cố Thượng nghị sĩ John McCain.

Trước khi trở thành một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn tại Mỹ, ông John McCain từng tham chiến ở Việt Nam. Tháng 10/1967, máy bay chiến đấu của ông đã bị bắn rơi tại Hà Nội, ông nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và được cứu, sau đó chuyển đến nhà tù Hỏa Lò. Ông được trao trả cho phía Mỹ theo hiệp định Paris năm 1973.

Ông John McCain qua đời vào tháng 8/2018 tại Mỹ ở tuổi 82 vì ung thư não. Ngay sau đó, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thời gian đó, ông Daniel J. Kritenbrink, đã tới hồ Trúc Bạch đặt hoa tưởng nhớ ông John McCain và nhắc lại nhiều đóng góp của cố Thượng nghị sĩ cho quan hệ Việt - Mỹ. Ông Kritenbrink bày tỏ: “Thượng nghị sĩ từng trải qua những đau khổ ở chiến tranh Việt Nam nhưng kể từ đó ông là một trong những nhà lãnh đạo Mỹ giúp thúc đẩy bình thường hóa quan hệ 2 nước Mỹ và Việt Nam. Biết ơn những đóng góp to lớn của ông, chúng tôi cam kết tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa 2 nước”.

john-mccainv4-1627547469.jpg
Cố Thượng nghị sĩ John McCain, người đừng tham chiến tại Việt Nam và sau khi hoà bình lập lại đã trở thành một trong những người đóng góp tích cực cho việc bình thường hoá quan hệ Việt Nam-Mỹ. 

Về phía di tích Hỏa Lò, Ban Quản lý di tích vừa chính thức ra mắt kênh phát thanh “HoaLoPrisonRelic” trên nền tảng Spotify nhằm đưa những câu chuyện lịch sử đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là những người yêu thích lịch sử. Đây là dịch vụ phát trực tiếp nhạc, podcast và video kỹ thuật số cho phép truy cập hàng triệu bài hát và các nội dung khác từ các nghệ sĩ trên khắp thế giới. Kênh phát thanh này được cán bộ và nhân viên tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kỳ và Ban Quản lý Di tích sẽ dần dần đưa đến công chúng các câu chuyện lịch sử, các trưng bày, triển lãm, các buổi tọa đàm và các phỏng vấn ngắn về các nhân chứng lịch sử.

Kênh “HoaLoPrisonRelic” là chương trình hoàn toàn miễn phí, bao gồm nội dung trưng bày được cập nhật theo tuần và các câu chuyện lịch sử chọn lọc.

Tường Thụy