Vận tải biển hồi phục

thunguyen

20/03/2020 14:50

Chiếm hơn 1/3 tỷ trọng vận tải quốc tế về giá trị, vận tải hàng không gặp khó khăn đang trao lại cơ hội cho vận tải biển, vốn đang trên đà lao dốc do kinh tế suy thoái.

Chỉ số vận tải hàng khô Baltic Dry Index (BDI) - đã tạo đáy từ đầu tháng 2.2020 tại mức xung quanh 410 điểm, nhưng bắt đầu phục hồi trong một tháng trở lại đây do nhu cầu tăng. BDI đã tăng hơn 53% chỉ trong hơn một tháng.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và vượt ra ngoài những dự báo trước đó. Trong khi Trung Quốc - đầu mối của phần lớn các tuyến đường hàng hải lớn, đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh, thì tình hình đang ngày càng trở nên nguy cấp với Mỹ và các nước châu Âu (đặc biệt là Anh, Ý). Các hãng bay trên toàn thế giới đang thu hẹp hoạt động, dừng hẳn nhiều đường bay quốc tế. Vận tải hàng không vì vậy bị ảnh hưởng đáng kể. Lượng hàng đó chủ yếu sẽ chuyển sang đường biển.

Biến động chỉ số BDI trong một tháng gần đây (Nguồn: BloombergMarkets)
Biến động chỉ số BDI trong một tháng gần đây (Nguồn: BloombergMarkets)

Theo hãng máy bay Boeing, 60% lượng hàng vận tải hàng không là theo các máy bay chuyên chở hàng (freighter), 40% còn lại đi kèm với các đường bay vận chuyển hành khách. Giá cước vận tải freighter đắt hơn rất nhiều so với hàng chuyên chở theo máy bay chở khách, và thường chỉ dùng cho một số chủng loại hàng hoá đặc biệt như động vật sống, thiết bị y tế,… mà vận tải đường biển khó đảm nhận.

Các chuyến bay bị huỷ, lượng hàng hoá được được dồn sang vận tải biển - đại diện một hãng tàu biển Đức tại Việt Nam chia sẻ. Các cảng biển trên thế giới hiện nay đang bị dồn ứ, một phần do thiếu nguồn lực con người, bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, một phần do lượng hàng nhiều lên bất thường. “Giá cước vận tải biển nhìn chung tăng từ 20 - 40% từ sau Tết nguyên đán” - đại diện này chia sẻ. Ngoài ra, việc kiểm dịch, phun khử trùng các tàu hàng cũng khiến vận tải đường biển bị đình trệ.

Một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam cho biết tình hình ùn ứ tại các cảng biển quốc tế đang khiến các đơn hàng về kho tại Việt Nam bị chậm trễ, có khi đến hai tuần. Nguyên nhân chậm trễ được các hãng tàu thông báo là do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

BDI tăng trưởng do những tín hiệu tích cực từ nhu cầu vận tải đường biển. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh lây lan và chưa được kiểm soát, tác động từ phía cung ứng hàng hoá lẫn nhu cầu người tiêu dùng khiến thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, việc tăng lên của BDI có thể chỉ trong ngắn hạn.

Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Vận tải biển hồi phục" tại chuyên mục Khoa học quản lý.