Tin mới dùng, dùng… phải tin
Có một nghịch lý mà đa phần các chủ doanh nghiệp mắc phải đó là: “dùng người nhưng không hẳn đã tin người”, phần lớn thông thường áp dụng cho nhân sự mới tuyển dụng. Tại sao lại có xãy ra nghịch lý như thế? Nhiều nguyên nhân lý giải cho hành động không thực sự tinh tế này. Một lập luận rằng, họ chưa đồng hành cùng chủ doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định, đủ để đặt niềm tin.
Niềm tin là công cụ vô hình trong hệ thống đo lường năng lực của nhân sự đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp của doanh chủ. Hay nói cách khác, công cụ vô hình đó là: Trực giác. Trực giác thì không đo lường được và hoàn toàn trái ngược với học thuyết quản trị hiện đại được phát triển bởi Giáo sư, bậc thầy quản trị học Peter Drucker (Cha đẻ Quản trị Kinh doanh hiện đại) cho rằng: “Cái gì không quản trị được thì không cải tiến được. Cái gì không cải tiến được thì không phát triển được”...
![chinh-sach-thu-hut-nhan-tai-scaled-1-1739144746.jpeg](https://nhaquanly.vn/uploads/images/blog/quangbinh/2025/02/10/chinh-sach-thu-hut-nhan-tai-scaled-1-1739144746.jpeg)
Niềm tin không được hình thành, thì cơ chế trao quyền không được thực hiện hoặc trao quyền theo cảm tính, giao việc rối bời. Nhân sự hay nhân tài dẫu giỏi đến mấy nhưng không có thực quyền, không có sự hỗ trợ của cộng sự thì mục tiêu công việc không thể hoàn thành. Sự chán chường, bất mãn và mất động lực đã khiến cho nhân tài “vứt áo ra đi” trong khoảng thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn. Điều này nói lên năng lực lãnh đạo của doanh chủ đang... “có vấn đề” và rất cần một giây dừng lại để suy ngẫm thấu đáo.
Với mục tiêu nhằm giúp cho doanh chủ xây dựng và phát triển niềm tin đối với nhân tài, chuyển hóa “trực giác” trở nên hữu hình các nhà quản trị học đã kiến tạo ra các công cụ đo lường hiệu suất làm việc của nhân sự thông qua hệ thống đo lường hiệu suất làm việc của nhân sự: KPI và OKR. Bên cạnh đó, các nhà quản trị cũng khuyến khích doanh chủ trao thực quyền và tạo ra không gian nhất định để nhân tài phát huy tối đa năng lực.
Tuy nhiên, tính cách muốn là “trung tâm vũ trụ” và thích làm “ông chủ” hơn là “nhà lãnh đạo” của chủ doanh nghiệp thì không nhà quản trị học nào can thiệp được. Nó phụ thuộc vào “năng lực văn hóa” riêng biệt, sâu thẳm bên trong nội tại của mỗi con người.
Lãnh đạo thời kỳ hội nhập: Cần nâng cao… năng lực văn hoá
Một trong những yếu tố cốt lõi hình thành văn hóa doanh nghiệp bền vững phụ thuộc phần lớn vào... “năng lực văn hóa” của chủ doanh nghiệp. Không nên hiểu nhầm, năng lực văn hóa là trình độ văn hóa của chủ doanh nghiệp. Nếu trình độ văn hóa thuộc phạm trù kiến thức và hiểu biết của doanh chủ trong phạm vi học thuật, thì năng lực văn hóa được hiểu rộng hơn rất nhiều bao gồm trình độ văn hóa, tầm nhìn, góc nhìn và thái độ ứng xử đối với góc nhìn đó.
Đặt niềm tin vào nhân sự cũng là một cách thực tâm trọng dụng nhân tài, đó cũng là động lực to lớn để họ cống hiến hết mình vì doanh nghiệp. Ngược lại, dùng người nhưng nghi kỵ, hạn chế trao quyền sẽ khiến nhân tài chán chường, mất đi động lực cống hiến và nhanh chóng họ sẽ rời đi. Rất nhiều doanh nghiệp đưa ra chương trình đãi ngộ vật chất thông qua lương, thưởng và chế độ phúc lợi cao thực chất đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ và quan trọng bậc nhất đó là: Văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng dựa trên ý chí và năng lực văn hóa của chủ doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp bền vững khi lấy “con người” làm trọng tâm, có nhân sự giỏi thì doanh nghiệp mới phát triển mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, cần phải tạo doanh thu, lợi nhuận trước thì doanh nghiệp mới sống được, khi doanh nghiệp sống được, sống khỏe thì mới tạo ra những chương trình đào tạo, phát triển nhân sự và nhân tài… Điều này không sai, nhưng không đúng hoàn toàn.
Lối tư duy kiếm tiền trước, bằng mọi giá, mọi cách rồi mới chăm lo và phát triển nhân sự sau… thuộc về tư duy của con buôn hoặc trọc phú. Họ nhầm lẫn giữa các giai đoạn phát triển doanh nghiệp. Giai đoạn đầu tiên của bất kỳ doanh nghiệp được gọi là giai đoạn đầu tư, trong giai đoạn này doanh nghiệp tập trung hoàn thiện sản phẩm, máy móc, công nghệ và phát triển đội ngũ, hệ thống quản trị, tìm nhân tài đồng hành cùng doanh nghiệp. Có thể, trong giai đoạn này doanh nghiệp sẽ khiêm tốn về doanh thu. Nhưng, đổi lại họ có sản phẩm tốt sẵn sàng cung ứng ra thị trường, có đội ngũ giỏi và hệ thống quy trình bài bản.
![z5635028222271-44a659aa73346adbc80322e46a04859f-1739144836.jpg](https://nhaquanly.vn/uploads/images/2025/02/10/z5635028222271-44a659aa73346adbc80322e46a04859f-1739144836.jpg)
Tất cả mọi thành công của doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào sự chuẩn bị chỉn chu và nghiêm túc. Nếu không đầu tư nghiêm túc nhưng muốn có doanh thu, lợi nhuận ngay thì không khác gì với việc… xây nhà không nền móng. Có thể, trước đây phần lớn doanh nghiệp Việt thành công với cách làm “xây nhà không nền móng” vì họ đã chọn đúng thời điểm, đúng giai đoạn phát triển… Giai đoạn mà đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới tiến lên nền kinh tế thị trường thay cho nền kinh tế tự cung, tự cấp.
Hiện tại thị trường kinh doanh đang cạnh tranh khốc liệt từng ngày, tư duy cũ nếu không thay đổi thì đó là sự lạc hậu so với thời cuộc. Năng lực văn hóa của chủ doanh nghiệp cần phải được trang bị tốt và nâng cao hơn nữa. Trong nghệ thuật lãnh đạo “tài” sử dụng người tài là một trong những năng lực tuyệt vời mà không phải ai cũng có được..