VCGForum 2024 là chương trình thường niên, quy tụ các nhà lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị và kinh doanh. Đây không chỉ là cơ hội trao đổi, kết nối mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận những phương pháp quản trị hiện đại, bền vững thông qua các phiên thảo luận chuyên sâu.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho biết: “VCG Forum 2024 khai mạc hôm nay được Ban tổ chức quyết định chọn chủ đề chính là “Ra quyết định quản trị dựa trên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo”. Đây là vấn đề đang được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp rất quan tâm hiện nay khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự đã, đang, và sẽ làm thay đổi rất nhanh chóng, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới”.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây và kết nối internet vạn vật sẽ thúc đẩy sự phát triển của máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. Từ đó tạo sức ảnh hưởng lớn đến việc ra quyết định kinh doanh của các doanh nhân, nhà lãnh đạo kinh doanh.
“Đứng trước cơn bão AI, sự phát triển của công nghệ ban đầu có thể làm ta hoảng sợ nhưng quan trọng là cần thấu hiểu và làm chủ công nghệ. Để tận dụng tối đa lợi ích của AI trong xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, đặc biệt là ứng dụng trong quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược từng bước triển khai phù hợp” - TS. Hàn Mạnh Tiến nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, kinh tế toàn cầu tạm ổn định sau một số năm đối mặt các cú sốc diễn ra đồng thời. Tuy nhiên, triển vọng chưa khởi sắc mạnh do tác động trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt, củng cố ngân sách, tăng trưởng tín dụng chưa đột phá. Tăng trưởng đầu tư vẫn yếu, do lãi suất thực tăng cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Tăng trưởng toàn cầu dự báo tăng nhẹ, lên 2,7% giai đoạn 2025 – 2026, so 3,2% bình quân giai đoạn 2010 – 2019. Rủi ro toàn cầu vẫn hướng tiêu cực, do điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, tình trạng phân mảnh thương mại. Chính sách nới lỏng tiền tệ tiếp tục bị các nền kinh tế phát triển trì hoãn, tùy thuộc tiến độ đưa lạm phát quay lại mục tiêu.
Đối với Việt Nam, xu hướng tổng thể 9 tháng đầu năm 2024 được cải thiện tích cực, trong đó, GDP ước tăng 6,82%, CPI tăng 3,88%, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước phục hồi khó khăn, trong 9 tháng đầu năm có 183.000 doanh nghiệp lập mới và hoạt động lại (trung bình 20.300 doanh nghiệp/tháng), tăng 9,7% so cùng kỳ 2023; có 163.800 doanh nghiệp rút lui, (trung bình 18.200 doanh nghiệp/tháng), tăng 21,5% so cùng kỳ 2023.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế Việt Nam có đà và thế tốt nhưng căn cốt thị trường chưa thật vững; mở cửa, hội nhập quốc tế rộng và sâu nhưng thực lực cạnh tranh, nội lực kinh tế còn yếu; tiềm năng, lợi thế mạnh nhưng phát huy chưa đến tầm, chưa hết tầm. Do vậy, cần có những động lực mới, từ đổi mới thể chế và tầm nhìn.
“Về tương lai, tầm nhìn xa, Việt Nam đang có một cơ hội chưa bao giờ có, nhưng chính vì thế thách thức là rất lớn. Việc của chúng ta không phải là nhìn vào cơ hội theo cái nghĩa trừu tượng mà quan trọng là phải biến cái thách thức thành cơ hội thì như vậy mới có ý nghĩa” - PGS.TS Trần Đình Thiên bày tỏ.
Tại VCGForum 2024, các chuyên gia uy tín đã lần lượt chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm về vai trò của dữ liệu và AI trong việc ra quyết định quản trị, từ đó giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh và tối ưu hoá hiệu suất.
Các chuyên gia nhấn mạnh, ứng dụng AI, dữ liệu vào quản trị đã thực sự giúp các doanh nghiệp dễ dàng nâng cao năng suất và hiệu quả công việc, bắt kịp xu thế toàn cầu. Theo đó, việc ứng dụng AI vào sản phẩm để phục vụ gần 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội lớn cho động đồng doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam. Điều này cũng góp phần nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số Việt Nam.
Ông Lê Hồng Quang – Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA khẳng định, ra quyết định dựa trên dữ liệu đã trở thành một phần không thể thiếu trong quản lý tài chính, giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng và điều chỉnh chiến lược kịp thời, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt trong việc hội tụ, hợp nhất dữ liệu nhằm tạo ra cơ sở dữ liệu phong phú, chính xác. Việc ứng dụng các công cụ phân tích dữ liệu hiện đại và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp doanh nghiệp khai thác tối đa giá trị từ dữ liệu, cung cấp thông tin chi tiết, giúp ra quyết định tài chính chính xác và tối ưu hơn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Báo cáo nghiên cứu chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã được công bố. PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp (INBUS), Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, việc công bố nghiên cứu sẽ là nguồn thông tin chính thống, nhất quán, đánh giá những tác động của nền kinh tế tới doanh nghiệp, hoạch định các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp đo lường sự thành công trong việc tạo ra lợi nhuận. Đánh giá khả năng cạnh tranh và đưa ra các quyết định chiến lược liên quan đến tài chính.