Các hình mẫu lãnh đạo và mô hình quản trị văn hoá doanh nghiệp

Nguyễn Đức Sơn

03/09/2024 16:59

Các CEO nếu quan tâm đến văn hoá doanh nghiệp (VHDN) đã bao giờ tự hỏi câu hỏi quan trọng này: anh/chị sẽ theo đuổi mô hình quản trị VHDN nào?

Không riêng gì VHDN, đã nói đến quản trị cần làm rõ mô hình. Mô hình nào phương thức quản trị đó, mô hình nào con người đó & mô hình nào sản phẩm đó. Không có mô hình nào ưu việt hoàn toàn. Nhưng rõ ràng phong cách là tiêu chí để quản trị tập trung.

Đa số các doanh nghiệp có xu hướng đang theo đuổi 02 mô hình quản trị VHDN phổ biến như sau.

* VHDN lấy tổ chức làm trung tâm

Con người các cấp bậc đều phải tuân thủ, điều chỉnh hoặc thay đổi để thích nghi với các giá trị văn hoá đã được lựa chọn của tổ chức.

Ở các doanh nghiệp theo mô hình này, VHDN vận hành bám rất chặt vào mục tiêu cốt lõi (purpose), tầm nhìn và giá trị cốt lõi (core values). Không cá nhân nào, dù lãnh đạo đứng đầu, được đứng cao hơn.

Mô hình này khá phổ biến đối với các tập đoàn lớn, đặc biệt các công ty đa quốc gia. Tôi đã từng có thời gian ngắn làm việc cho tập đoàn ABB (Thuỵ sỹ) và VBL, nay là công ty Heineken Châu Á Thái Bình Dương (sản xuất và phân phối Heineken, Tiger). Ở hai tập đoàn này VHDN vận hành theo đúng mô hình top-down lấy giá trị của tổ chức làm trung tâm.

* VHDN lấy con người làm trung tâm

Ngược với mô hình 1, ở mô hình này VHDN được hình thành (đa số là vô thức) theo con người hiện có của tổ chức, đặc biệt là con người lãnh đạo đứng đầu hoặc nhóm các lãnh đạo, quản lý chủ chốt có ảnh hưởng.

Mô hình này rất phổ biến ở các công ty tư nhân Việt Nam hoặc các công ty quy mô vừa và nhỏ. Cứ nhìn vào Founder kiêm CEO là có thể phác hoạ sơ bộ chân dung VHDN của tổ chức.

Mỗi mô hình đều có cái hay và hạn chế riêng. Và cả hai mô hình này đều phụ thuộc vào chất lượng & phong cách quản trị của lãnh đạo đứng đầu. Ở phạm vi bài viết này, tôi không có ý định phân tích Pros and Cons của mô hình. Tôi muốn phác hoạ sơ bộ 04 chân dung lãnh đạo trong mối quan hệ với 02 xu hướng mô hình lấy tổ chức làm trung tâm & lấy con người làm trung tâm.

Qua tham khảo một số bài viết chuyên môn và sách nổi tiếng về lãnh đạo, qua chiêm nghiệm và quan sát và qua thực tế tiếp xúc thường xuyên với doanh nghiệp khi thực thi các dự án tư vấn (chiến lược thương hiệu), tôi xin mô tả ngắn 4 hình mẫu lãnh đạo trong sơ đồ đồ thị hai xu hướng mô hình quản trị VHDN như sau.

khoa-26-1-1658664336.jpg

 

LÃNH ĐẠO KỶ LUẬT

* Bám chặt vào mục tiêu của tổ chức, áp dụng kỷ luật nghiêm để đạt được mục tiêu này.

* Đề cao kỷ luật cứng nhắc có thể hạn chế phát triển tính sáng tạo cá nhân tài năng.

* Phù hợp tổ chức đa dạng , phức tạp nhân sự,

* Ví dụ: Alex Ferguson, Jose Mourinho, Jack Welch (GE)

LÃNH ĐẠO ĐỘC TÀI

* Không quan tâm cảm xúc của nhân viên & cũng không có ý định chia sẻ cảm xúc với họ.

* Có xu hướng ưu tiên cái tôi cá nhân hơn văn hoá DN & mục tiêu của tổ chức

* Phù hợp tổ chức cần quyết đoán và dẹp loạn nhanh

* Ví dụ: Lee Lacocca (Chrysler), Jose Mourinho (Real Madrid),

LÃNH ĐẠO DẪN DẮT

* Thấu hiểu nhân viên bắt nguồn từ động cơ giúp họ phát huy năng lực, sức mạnh tiềm ẩn bên trong.

* Cân bằng xuất sắc giữa việc nuôi dưỡng giá trị VHDN của tổ chức & cá tính riêng của từng cá nhân nhân sự.

* Phù hợp với mọi tổ chức & tình huống quản trị

* Ví dụ: Carlo Ancelotti (Ac Milan), Alex Ferguson (Manchester United), Darwin Smith (Kimberly-Clark),

LÃNH ĐẠO DÂN CHỦ

* Sẵn sàng lắng nghe & bản năng con người có sự thấu cảm với nhân viên.

* Quá dân chủ nên có thể gặp khó khăn khi tổ chức cần quyết liệt và thay đổi

* Phù hợp với tổ chức có nhân sự trình độ & ý thức tự giác, tự kiểm soát cao.

* Ví dụ điển hình: Ole Solskjaer (Manchester United)

Ghi chú

Ví dụ các cá nhân hình mẫu lãnh đạo ở trên được lấy từ các cuốn sách kinh doanh được nghiên cứu, viết công phu về leadership (Good to great, Quiet leadership, Leading, The Founder & Pour your heart into it).

* Lưu ý 1 - Một người có thể mang nhiều hơn một phong cách lãnh đạo?

Một số lãnh đạo có thể rơi vào hai hình mẫu lãnh đạo khác nhau nhưng không loại trừ nhau. Ví dụ ở ông Alex Ferguson vừa là hình mẫu lãnh đạo Kỷ Luật vừa là hình mẫu lãnh đạo Dẫn Dắt. Nếu ai đã từng theo dõi cuộc đời sự nghiệp của Sir Alex sẽ thấy rõ điều này. Hai hình mẫu Kỷ Luật và Dẫn Dắt không loại trừ nhau mà được thể hiện một số giá trị ở cấp độ cao hơn thôi. Nhưng một người không thể vừa là hình mẫu Độc Tài vừa hình mẫu Dân Chủ được.

* Lưu ý 2 - Phong cách lãnh đạo khác với sự linh hoạt trong trong ứng xử & hành vi

Cho dù một người Độc Tài ông ta cũng có lúc nào đó, với ngữ cảnh nào đó có cách cư xử dân chủ, lúc khác lại có thái độ quyết liệt áp đặt. Nhưng tổng thể chung ông ta là hình mẫu Độc Tài. Không nên nhầm lẫn phong cách (thể hiện thường xuyên) với sự linh hoạt về ứng xử và hành vi.

* Lưu ý 3 - Phong cách lãnh đạo khác với hình mẫu thương hiệu thế nào?

Phong cách lãnh đạo khác với hình mẫu thương hiệu (Brand archetype) trong xây dựng thương hiệu. Hình mẫu nhà lãnh đạo xây dựng cho cá nhân và có tính chất hướng nội. Hình mẫu thương hiệu cho tổ chức và có tính chất hướng ngoại nhiều hơn. Một dự án tư vấn chiến lược thương hiệu có thể có đến 12-20 hình mẫu thương hiệu khác nhau để lựa chọn.

Nguyễn Đức Sơn