Từ vụ BĐS Nhật Nam, nhìn lại hàng loạt vụ án "doanh nhân" lừa đảo nhà đầu tư gây rúng động trong thời gian qua

Hồng Vũ

06/10/2023 07:53

Bà Vũ Thị Thúy (BĐS Nhật Nam) đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng; Cơ quan điều tra xác định Tân Hoàng Minh đã chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của các nhà đầu tư; Các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát cũng đã lừa đảo 30.000 tỉ của 42.000 nhà đầu tư…

"Doanh nhân" Vũ Thị Thuý lừa đảo hơn 10.000 cá nhân

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Vũ Thị Thúy (SN 1983), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại BĐS Nhật Nam (Công ty bất động sản Nhật Nam). Bà Vũ Thị Thúy bị tạm giữ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan chức năng xác định, bà Thuý đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước.

vu-thi-thuy-8397-1696549063.png
"Doanh nhân" Vũ Thị Thuý

Với thủ đoạn trên, Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trước đó, Công ty BĐS Nhật Nam đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch BĐS tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỉ suất lợi nhuận cao.

Hoạt động này được nhiều cơ quan chức năng cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Được biết, bà Vũ Thị Thúy cũng đã từng có 1 tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vạn Thịnh Phát lừa đảo 30.000 tỉ của 42.000 nhà đầu tư

Theo cơ quan chức năng, từ năm 2018-2020, các nghi phạm có liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Vạn Thịnh Phát), các công ty con thuộc tập đoàn cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thông tin, từ các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỉ của 42.000 nhà đầu tư. Do số lượng bị hại trong vụ án này rất lớn nên C03 đã ủy thác cho cơ quan điều tra công an các địa phương làm việc với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.

384564147-331196819421863-7508488988448143587-n-1696548926.jpeg
Các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỉ của 42.000 nhà đầu tư. Trong ảnh là bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát

Vào tháng 10/2022, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bên cạnh đó cũng khởi tố, bắt tạm giam các bị can: Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…

Tại buổi họp báo hồi cuối tháng 3, phía C03 cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam năm bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành đã từng tiến hành thanh tra Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Đoàn thanh tra này do thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chủ trì, trưởng đoàn là bà Đỗ Thị Nhàn, cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước.

Bà Nhàn bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.000 tỷ đồng

Ngày 30/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH TM-DV-Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố nhiều người khác gồm: Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH TM-DV- Khách sạn Tân Hoàng Minh (con trai ông Dũng); Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH TM-DV- Khách sạn Tân Hoàng Minh; Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH TM-DV-Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung Điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH TM-DV- Khách sạn Tân Hoàng Minh…

386476819-1390646158526106-4673179794099567374-n-1696548517.jpeg
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và con trai bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ảnh: NQL

Kết luận điều tra đã hé lộ nhiều chiêu trò gian dối trong phát hành trái phiếu của chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và một số thuộc cấp nhằm huy động tiền trái phép từ các nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Theo đó, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và một số thuộc cấp đã sử dụng pháp nhân của ba công ty con gồm: Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông để thực hiện hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu.

Từ việc phát hành trái phiếu gian dối, nhóm bị can đã huy động tiền trái quy định pháp luật của nhiều nhà đầu tư.

Tân Hoàng Minh đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. 

Thủ đoạn gian dối của Tân Hoàng Minh còn thể hiện ở việc tập đoàn này đã tổ chức mua phần lớn trái phiếu doanh nghiệp của các công ty con, sau đó bán lại cho nhà đầu tư cá nhân thông qua hình thức ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư.

Tại cuộc họp báo của Bộ Công an cuối năm 2022, lãnh đạo C03 cho hay, kết quả điều tra xác định Tân Hoàng Minh đã chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của các nhà đầu tư. 

Trịnh Văn Quyết FLC: Thao túng thị trường chứng khoán, nâng khống vốn điều lệ

Ngày 25/8/2022, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái.

Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết và 2 em gái là Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế bị khởi tố thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bà Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC cũng bị khởi tố cùng tội danh nêu trên.

Theo Bộ Công an, từ năm 2014 – 2016, các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

367449009-1348457709351566-2779184658377072125-n-1692069347-1696548593.jpeg
Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" cùng với 2 em gái. Ảnh: NQL.

Bước đầu xác định, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ dựng tên), thu được tổng cộng trên 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Trước đó, vào ngày 29/3/2022, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC - để điều tra tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Cơ quan điều tra tiến hành điều tra xác minh với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”; Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán. 

Hồng Vũ