Ngày 17/5, Thẩm phán Edward Davila – người xét xử vụ án của Elizabeth Holmes – đã yêu cầu cô đến Cơ quan Trại giam Liên bang Mỹ trước ngày 30/5 để bắt đầu thi hành án. Holmes bị kết án 11 năm tù giam từ tháng 11 năm ngoái, thời gian thi hành từ ngày 27/4.
Vài ngày trước thời hạn này, cô nộp đơn kháng cáo, muốn được tiếp tục tại ngoại để lật lại bản án. Dù vậy, trong phán quyết hôm 16/5, thẩm phán đã bác bỏ yêu cầu này. Một ngày sau, các luật sư của Holmes đề nghị lùi ngày trình diện sang 30/5, với lý do cô cần chuẩn bị về y tế và chăm sóc con nhỏ trước khi bắt đầu thi hành án. Davila đã đồng ý với thời hạn mới này.
Thẩm phán này cũng yêu cầu Holmes và cựu COO Theranos Ramesh "Sunny" Balwani bồi thường 452 triệu USD cho các nạn nhân. Balwani cũng bị kết tội lừa đảo và đã ngồi tù từ tháng trước với bản án gần 13 năm.
Bồi thẩm đoàn tại California đã kết luận Holmes phạm tội với một cáo buộc âm mưu lừa đảo nhà đầu tư và ba cáo buộc lừa đảo nhà đầu tư.
Elizabeth Holmes sinh ra tại Washington, DC vào ngày 3 tháng 2 năm 1984. Cha và mẹ cô đều là công chức làm việc trong các cơ quan Chính phủ Mỹ. Từ khi còn bé, Elizabeth đã nhận ra ước mơ của mình là muốn trở thành một tỷ phú. Khi mới 9 tuổi, cô đã nói với cha rằng: “Điều mà con thực sự muốn trong đời là khám phá những thứ thực sự mới mẻ, điều mà nhân loại không nghĩ sẽ làm được”. Bước vào trung học, cô đã bắt đầu tự kinh doanh bằng cách bán các trình biên dịch C++ cho các trường học Trung Quốc.
Elizabeth Holmes trúng tuyển vào trường Đại học Stanford năm 18 tuổi với chuyên ngành hóa học. Cô vinh dự nhận được danh hiệu “học giả của Tổng thống” khi mới vừa là sinh viên năm nhất. Thêm vào đó, cô cũng nhận được khoản trợ cấp 3.000 USD cho một dự án nghiên cứu riêng của mình.
Sáng lập Theranos từ ý tưởng độc đáo
Trong một chuyến đi đến châu Á, Elizabeth đã chứng kiến sự bùng nổ của dịch SARS. Khi trở về, cô bắt đầu suy nghĩ về một ý tưởng có thể thay đổi thế giới. Ý tưởng này là thiết bị lấy mẫu thử có thể mang theo người. Mẫu thử này có thể xét nghiệm máu của bệnh nhân và cho biết lượng thuốc chính xác ngay lập tức. Elizabeth sáng lập ra startup Real-Time Cures vào năm thứ hai đại học, sau này được đổi tên thành Theranos. Theranos là sự kết hợp giữa hai từ “therapy” và “diagnosis” (Liệu pháp và Chẩn đoán). Năm 19 tuổi, cô chính thức thôi học tại Stanford, dành toàn bộ thời gian của mình làm việc cho Theranos.
Ngay từ ban đầu, nhờ các mối quan hệ thân thiết của mình, Elizabeth đã huy động được hơn 6 triệu USD từ hai nhà đầu tư ban đầu là Tim Draper và Victor Palmieri. Lúc này, công ty đã đạt được mức định giá là 30 triệu USD. Theranos đã gây được sự chú ý lớn nhờ phương pháp thử nghiệm máu của mình. Có thể nói nó đã hoàn toàn loại bỏ vai trò của bác sĩ và biến quá trình xét nghiệm trở nên thoải mái hơn.
Đến năm 2006, Theranos cho ra mắt thiết bị xét nghiệm máu mini có tên Edison. Thiết bị này có hình dáng như một chiếc hộp nhỏ, được ca tụng lên tận mây xanh. Các xét nghiệm máu thông thường cần một lượng máu nhiều gấp hàng ngàn lần và tốn kém rất nhiều cho mỗi lần xét nghiệm. Nhưng đối với Edison, bệnh nhân chỉ cần lấy một giọt máu trên đầu ngón tay và máu này sẽ được lưu lại trong ống thử. Tiếp đến, đặt các ống thử này vào máy để đọc các xét nghiệm. Sau khi máy móc của Theranos thực hiện các xét nghiệm ngay tại chỗ, dữ liệu sẽ được truyền đến phòng phân tích - nơi đội ngũ nhân viên sẽ đọc kết quả và gửi báo cáo.
Năm 2008, hội đồng quản trị của Theranos quyết định chọn một người có kinh nghiệm hơn vào vị trí CEO để thay thế cho Elizabeth. Nhưng cô đã thuyết phục được họ để tiếp tục đảm nhiệm vị trí của mình chỉ trong vòng 2 giờ. Đến năm 2009, Elizabeth hẹn hò với Sunny Balwani, vị tỷ phú nhập cư gốc Pakistan và ông đã gia nhập vào Theranos với vai trò giám đốc điều hành thứ hai.
Người sở hữu kỳ lân “kỳ lân” của thung lũng Silicon
Năm 2010, Theranos ký hợp đồng với hai công ty Walgreens và Safeway thành lập các trung tâm sức khỏe. Khách hàng có thể làm các xét nghiệm máu trong khu vực cửa hàng của hai công ty này. Walgreens và Safeway đã trao 105 triệu USD vào Theranos dưới hình thức đầu tư và cho vay. Theranos giới thiệu với Walgreens rằng máy Edison có thể thực hiện 192 loại xét nghiệm. Nhưng trên thực tế, chỉ có khoảng một nửa trong số đó là khả thi về mặt lý thuyết. Nhận thấy điều này, Elizabeth đã quyết định đổ tiền vào miniLab - phiên bản thứ ba của thiết bị xét nghiệm máu.
Đến tháng 09/2013, Theranos chính thức ra mắt công chúng lần đầu tiên (IPO) và thông báo hợp tác dài hạn với Walgreens. Trung tâm sức khỏe Theranos đầu tiên được đặt tại một cửa hàng của Walgreens tại Palo Alto. Đây là nơi khách hàng có thể tiếp cận với sản phẩm của Theranos.
Danh sách các nhà đầu tư đổ tiền vào Theranos là niềm mơ ước của mọi startup tại Mỹ. Có thể kể đến: Larry Ellison - một trong 10 người giàu nhất thế giới thời điểm đó, anh em nhà Waltons của đế chế Walmart, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch,... Tuy nhiên, công nghệ thử máu của Theranos hoàn toàn được bảo mật, không tiết lộ với bất cứ ai, dù là cổ đông.
Hội đồng quản trị Theranos bao gồm những nhân vật có uy tín cao khiến cho không một ai nghi ngờ công ty này. Thành viên hội đồng gồm có Ngoại trưởng quốc phòng tương lai Jim “Maddog” Mattis, Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ George Shultz và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger,... Trong giai đoạn này, Theranos có mối quan hệ chính trị khá sâu sắc, Elizabeth thậm chí còn mời được Hilary Clinton đứng lên kêu gọi gây quỹ cho một hoạt động.
Tiền cứ thế ào ạt đổ vào Theranos. Walmart Brother đã mua 150 triệu đô tiền cổ phiếu, Rupert Murdoch bỏ ra 125 triệu đô, Devos Family đã đầu 100 triệu đô và Partner Fund cũng gia nhập 90 triệu đô. Năm 2014, Theranos có giá trị tương đương 9 tỉ đô la Mỹ, trong đó Elizabeth đã chiếm đến 5 tỷ đô la. Cùng năm đó, Elizabeth Holmes với 50% cổ phần của Theranos đã trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ..
Thành công nối tiếp thành công khi thử nghiệm phát hiện virus herpes siplex 1 của Theranos được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt. Ngay sau đó, Theranos được lựa chọn là nhà cung cấp công việc trong phòng thí nghiệm của một công ty bảo hiểm ở Pennsylvania - Capital BlueCross. Lúc này, Theranos được định giá 10 tỷ USD.
Trở thành Steve Jobs phiên bản nữ và thần tượng của các startup
Thái độ và cách hành xử của Elizabeth Holmes luôn làm nhiều người liên tưởng đến huyền thoại Steve Jobs. Cô thường xuyên mặc những chiếc áo cổ cao màu đen, trang trí phòng làm việc không khác gì CEO của Apple. Sau khi biết Steve Jobs thường họp với nhóm marketing và thứ tư, cô cũng làm y hệt như vậy cùng với công ty marketing mà mình hợp tác. Elizabeth còn tuyển một số nhân viên của Apple, trong đó có cựu phó chủ tịch cấp cao về phần mềm và là bạn lâu năm của Steve Jobs - Avie Tevanian.
Giữa năm 2014, Elizabeth Holmes xuất hiện trên trang bìa tạp chí Fortune với tiêu đề: “Vị CEO luôn nỗ lực vì máu”. Từ đó, cô cũng xuất hiện nhiều hơn trước truyền thông. CNN, CNBC, Forbes, USA Today, CBS News,.. đều đưa tin về vị tỷ phú tự thân trẻ tuổi này. Elizabeth cũng từng được Barack Obama chọn làm đại sứ khởi nghiệp toàn cầu của Mỹ. Bên cạnh đó, cô còn được bổ nhiệm vào ban học thuật tại Đại học Y Harvard.
Trong bài nói chuyện trên diễn đàn TED Talk 2014, nữ doanh nhân trẻ chia sẻ về ý tưởng thay đổi thế giới của mình: “Chúng tôi thấy một thế giới mà ở đó, vào thời điểm cần thiết, ai cũng có thể tiếp cận thông tin sức khỏe một cách nhanh chóng. Một thế giới không ai phải nói lời từ biệt quá sớm, một thế giới mà ở đó không ai sẽ phải nói câu: giá như tôi biết sớm hơn”.
Elizabeth rất yêu thích sự nổi tiếng. Cô đã thiết kế phòng làm việc của mình giống như phòng Bầu dục của tổng thống và lắp toàn kính chống đạn. Ngoài ra cô còn bị ám ảnh bởi vấn đề an ninh khi tăng đội vệ sĩ của mình lên đến 20 người.
Sự sụp đổ của kỳ lân ngành y tế
Sự thành công của Theranos bị đặt ra rất nhiều câu hỏi. Các nhà khoa học bắt đầu quan tâm và đặt nghi vấn đối với công nghệ thử máu mới mẻ này. Tháng 08/2015, FDA bắt đầu điều tra Theranos. Đến tháng 10/2015, phóng viên John Carreyrou của tờ báo Wall Street Journal đã công bố điều tra của mình về công nghệ của Theranos. Theo tờ báo này, đa số các xét nghiệm của Theranos không phải lấy “vài giọt” từ đầu ngón tay mà được thực hiện bằng phương pháp truyền thống là lấy máu từ cánh tay. Đây là bước đệm dẫn đến sự sụp đổ của Apple ngành y tế.
Một ngày sau, dưới áp lực của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Theranos đã dừng sử dụng các ống lấy máu của mình. Ngay sau đó, Elizabeth xuất hiện trên sóng truyền hình CNBC để bảo vệ bản thân cũng như công ty, tuyên bố có thể cung cấp các tài liệu để bác bỏ cáo buộc của phóng viên John. Cô cho rằng:“Khi bạn cố gắng làm việc để thay đổi những thứ cố hữu nhưng họ nghĩ rằng bạn bị điên rồi chống lại bạn”. Tuy nhiên việc kiểm soát khủng hoảng không thành công.
Tháng 11/2015, thỏa thuận hợp tác trị giá 350 triệu USD giữa Theranos và tập đoàn Safeway đã bị hủy bỏ. Mặc dù trước đó, Safeway đã đồng ý chi tiền vào việc xây dựng các cơ sở xét nghiệm của Theranos tại hơn 800 siêu thị của mình. Tháng 01/2016, Trung tâm dịch vụ chăm sóc y tế (CMS) đã gửi thông báo cho Theranos yêu cầu giải quyết việc phòng thí nghiệm ở California không tuân thủ các tiêu chuẩn liên bang và thời hạn giải quyết vấn đề này là 10 ngày.
Tiếp theo đó, Walgreens tuyên bố ngừng hoạt động tại phòng thí nghiệm Newark cho đến khi có thông báo mới và ngừng mọi thí nghiệm tại trung tâm sức khỏe Theranos ở Palo Alto. Sau đó, Walgreens thông báo đóng cửa tất cả 40 trung tâm sức khỏe Theranos.
Tháng 03/2016, Trung tâm dịch vụ chăm sóc y tế (CMS) cấm Elizabeth Holmes và Sunny Balwani kinh doanh phòng thí nghiệm trong vòng 2 năm sau khi công ty không sửa sai tại phòng thí nghiệm California. Theranos hủy bỏ hết kết quả xét nghiệm trong vòng 2 năm qua. Đồng thời CMS cũng tước giấy phép điều hành phòng thí nghiệm của Theranos. Lúc này, giá trị của Theranos bị giảm từ 9 tỷ USD xuống còn 800 triệu USD, tài sản ròng của Elizabeth cũng trở về con số 0.
Căng thẳng hơn nữa, một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Theranos - Partner Fund Management (PFM) đã tố cáo công ty gian lận chứng khoán và yêu cầu Theranos bồi thường 96,1 triệu USD. Cùng lúc này, Walgreens cũng kiện Theranos do vi phạm hợp đồng và muốn lấy lại 140 triệu đã đầu tư.
Tháng 01/2017, Theranos đóng cửa các phòng thí nghiệm và trung tâm chăm sóc sức khỏe khi không qua được bài kiểm tra thứ hai của nhà chức trách. Công ty đã sa thải 455 nhân viên của mình và đồng ý trả lại 4,65 triệu USD cho khách hàng.
Tháng 03/2018, Ủy ban Chứng khoán Mỹ đã buộc tội Elizabeth Holmes và Sunny Balwani về việc huy động hơn 700 triệu USD từ các nhà đầu tư thông qua một vụ gian lận, đưa ra những sai lệch về công nghệ, hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty. Đầu tháng 06/2018, cả hai bị truy tố với tội danh lừa gạt nhà đầu tư và âm mưu lừa gạt bác sĩ, bệnh nhân. Tuy nhiên, cả Elizabeth và Sunny đều không nhận tội.
Tháng 07/2018, Elizabeth Holmes từ chức CEO của Theranos, nhưng lúc này cô vẫn còn là chủ tịch hội đồng quản trị. Đến tháng 09/2018, Theranos chính thức bị giải thể. Giấc mơ về một kỳ lân ngành y tế kết thúc.
Bản án 11 năm tù giam dành cho Elizabeth Holmes
Sau hơn 3 năm bị truy tố với nhiều cáo buộc gian lận, Elizabeth Holmes có thể phải đối mặt với 12 tội danh. Đội luật sư của cô đã lên kế hoạch bảo vệ thân chủ trước phiên tòa với luận điểm là bị Sunny Balwani thao túng tâm trí và chính ông là chủ mưu hoạt động lừa đảo của Theranos. Đội luật sư đã nộp đơn lên tòa án quận San Jose, California với rất nhiều tài liệu, giấy tờ liên quan để chứng minh Elizabeth có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Theo các tài liệu được tiết lộ, Elizabeth cáo buộc bạn trai cũ lạm dụng tâm lý, tình cảm và tình dục khi liên tục kiểm soát việc ăn, ngủ; ném các vật sắc nhọn vào người cô cũng như theo dõi các cuộc gọi và tin nhắn của cô. Tuy nhiên, phía Sunny Balwani bác bỏ những cáo buộc này. Sau đó, có thông tin cho rằng Elizabeth Holmes cùng với William Billy Evans - người thừa kế của một công ty quản lý bất động sản tại California đã đính hôn vào đầu năm 2019 và bí mật kết hôn vào tháng 06. Do đó, vụ án của Elizabeth và bạn trai cũ cũng được tách riêng ra.
Bên cạnh đó, Elizabeth Holmes còn dính vào một vụ kiện khi có gần 280 người làm nhân chứng. Trong đó có 9 bác sĩ lên tiếng rằng bệnh nhân của họ nhận kết quả chẩn đoán sai từ Theranos, 11 bệnh nhân nói rằng họ bị ảnh hưởng bởi kết quả xét nghiệm không chính xác từ công ty của bà. Nếu bị buộc tội trong phiên tòa, Elizabeth Holmes có thể sẽ phải đối mặt với mức án 20 năm tù, khoản tiền phạt hơn 2,7 triệu USD.
Phiên tòa xét xử Elizabeth Holmes dự kiến diễn ra vào tháng 07/2020, nhưng sau đó bị trì hoãn do đại dịch COVID-19 và lùi lại đến tháng 07/2021. Tuy nhiên, tháng 03/2021, luật sư của Elizabeth yêu cầu dời ngày khai mạc phiên tòa, nguyên nhân là do cô đang mang thai. CNBC đã thu thập được thông tin và cho biết Elizabeth đã sinh con vào ngày 10/07/2021 tại thành phố Redwood, bang California. Tháng 08/2021, phiên xử Elizabeth chính thức bắt đầu, đây là phiên xử kín tiếng và dự kiến kéo dài 13 tuần.
Tháng 11 năm ngoái, Holmes bị kết án 11 năm tù giam, thời gian thi hành từ ngày 27/4/2023.
Trường hợp của Holmes là vụ xét xử lừa đảo hiếm hoi với một doanh nhân khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon. Bồi thẩm đoàn phải xác định liệu Holmes là người có ý định tốt nhưng mắc sai lầm khi khởi nghiệp (như cô khẳng định) hay cố tình lừa nhà đầu tư và bệnh nhân để giúp bản thân và công ty thành công (như các công tố viên cáo buộc).
Vụ việc của Holmes cũng là lời cảnh báo với những người khác tại Thung lũng Silicon. "Holmes lừa được mọi người chính vì văn hóa của nơi này, là ủng hộ những người rất trẻ với rất ít kinh nghiệm", Margaret O'Mara – giáo sư tại Đại học Washington nhận định.
George Demos – cựu nhân viên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) thì khẳng định phán quyết này "là chiến thắng lớn với chính phủ và gửi đi thông điệp với Thung lũng Silicon rằng lừa đảo không thể giả danh sự đột phá".