Từ câu nói 'đầu tư đất lời hơn kinh doanh em ạ' và câu hỏi làm sao để doanh nghiệp quay trở lại với công việc sản xuất, kinh doanh

Mai Quốc Bình (CEO Thế Giới Giấy & Sachi Farm )

22/04/2022 09:30

Hoạt động đầu cơ dễ dàng kiếm tiền đã gieo cấy một tâm lý lười nhác, sợ đầu tư, sợ rủi ro, thích ăn xổi trong xã hội chúng ta. Không làm muốn có ăn, không làm nhưng muốn giàu, sợ áp lực, sợ rủi ro, muốn làm những công việc nhẹ nhàng lương cao...

sot-dat-1650594410.jpg
Nếu mua đất chờ lên giá thì chỉ gọi là đầu cơ chứ không phải đầu tư (Ảnh minh họa).

"Anh ơi, hôm nay em đã giành cả ngày thẩm định sơ bộ công ty XYZ rồi. Tổng tài sản được định giá khoảng 90 tỷ, doanh thu 3 năm gần nhất trung bình khoảng 100 tỷ/năm, lợi nhuận được khoảng 8% trên doanh thu. Đối tác chào bán cho mình giá 100 tỷ. Anh em mình cùng đầu tư mỗi người 50-50 nhé. Em thấy giá này rất ổn".

"Hôm trước anh cũng xem sơ bộ rồi, thấy ổn nên mới kêu em thẩm định lại, nhưng mấy ngày hôm nay anh suy đi tính lại thấy hơi lưỡng lự em ah. Nếu giờ đầu tư 50 tỷ vào đó anh thấy hơi ngán em ạ. Làm kinh doanh cạnh tranh từng đồng, áp lực công việc rồi còn thuế má, lao động, PCCC... mà rủi ro thì cao nhưng lợi nhuận không được bao nhiêu. Anh thấy mang 50 tỷ đi đầu tư đất khỏe hơn, an toàn mà lại lợi nhuận cao". Đó là phản hồi của ông anh đã có hơn 22 năm kinh nghiệm làm kinh doanh lĩnh vực bao bì khi tôi gọi điện báo cáo về công ty chúng tôi đang xem xét mua lại (M&A).

Đó chỉ là một trường hợp điển hình về vấn đề "Doanh nhân chán làm kinh doanh". Rõ ràng hoạt động đầu cơ dễ dàng kiếm tiền đã gieo cấy một tâm lý lười nhác, sợ đầu tư, sợ rủi ro, thích ăn xổi trong xã hội chúng ta. Không làm muốn có ăn, không làm nhưng muốn giàu, sợ áp lực, sợ rủi ro, muốn làm những công việc nhẹ nhàng lương cao... "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ thuộc về phần ai?". Phải chăng nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã tiên đoán được ngày hôm nay nên trăn trở về nó!? 

Họ không có lỗi về tư duy đó, tư duy đó không vi phạm pháp luật cũng chẳng làm hại ai. Chỉ có điều họ không thể đứng ngoài cuộc khi bạn bè, người thân xung quanh cứ ra rả khoe mới kiếm được trăm này tỷ kia nhờ đất đai, chứng khoán. Nếu đứng ngoài cuộc họ sẽ bị bỏ lại phía sau, ai cũng sợ mất cơ hội nên hình thành tâm lý "quăng vào đó ít". Do đó những nguồn lực tốt nhất được dồn vào đầu cơ thay vì hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Nếu mua đất chờ lên giá thì chỉ gọi là đầu cơ chứ không phải đầu tư. Phải tạo ta các hoạt động trên đất để tạo ra giá trị, tạo ra dòng tiền thì mới gọi là đầu tư. Khi người đầu cơ nhiều, giá đất tăng nhưng không tạo ra giá trị gì thì nền kinh tế sẽ cực kỳ bất ổn, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất giá rẻ để đầu tư sản xuất hoặc nếu tiếp cận được thì hoặc chi phí sẽ rất cao, mất lợi thế cạnh tranh. Khi bạn tạo ra giá trị trên đất, tạo ra nguồn thu trên đất và đồng thời giá đất tăng theo thời gian thì cả khối tài sản đó sẽ tăng lên. Lúc đó mọi biến động của thị trường, của chính sách có thay đổi thì bạn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì trên đất luôn có nguồn thu ổn định. 

Một doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sự lưu thông liên tục của đồng tiền thì phải chịu vô vàn áp lực về thuế, bảo hiểm, PCCC, môi trường... Lãi vay chỉ được coi là "chi phí hợp lý" khi khoản vay dưới 25% vốn điều lệ. Ngược lại một lô đất mua xong bỏ hoang không lo PCCC, không quan tâm đến môi trường, cũng chẳng phải lo lương thưởng hay bảo hiểm gì cả. Đặc biệt nhất họ cũng vay thoải mái miễn là có tài sản thế chấp và trả được lãi vay. Sự bất cập đó vô tình lại "ép" doanh nhân từ bỏ sản xuất kinh doanh để đi đầu cơ, cổ vũ cho hoạt động đầu cơ có môi trường tốt để sinh sôi.

Doanh nghiệp mua máy móc thiết bị, nhập khẩu nguyên liệu không được hỗ trợ về lãi suất, kho vận, bảo vệ thương hiệu... Người dân làm nông nghiệp không được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, máy móc, thị trường... Tiểu thương buôn bán không được hỗ trợ về mặt bằng, kỹ năng bán hàng, chuyển đổi số... Và cuối cùng tất cả chán nản bỏ việc để đi ĐẦU CƠ. 

Làm sao để doanh nghiệp quay lại với công việc sản xuất, kinh doanh và mang tiền về thanh toán công nợ cho tui đây?

Mai Quốc Bình (CEO Thế Giới Giấy & Sachi Farm )