Hãng tin AFP dẫn nguồn một quan chức Hải quan Trung Quốc cho biết nước này đã xuất khẩu lượng lớn các thiết bị y tế bao gồm khẩu trang (gần 4 tỉ chiếc), trang phục bảo hộ, máy thở, bộ xét nghiệm virus đến 50 quốc gia trong tháng Ba, thu về hơn 2 tỉ USD.
Thói quen đeo khẩu trang hàng ngày hầu như chỉ có ở các nước châu Á, đặc biệt là các quốc gia ô nhiễm không khí. Ngay cả khi đại dịch chưa bùng phát, Trung Quốc đã chiếm khoảng một nửa lượng cung khẩu trang toàn cầu, theo Thời báo Bưu điện Nam Trung hoa (SMCP). Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, khi các loại khẩu trang được khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng, sản lượng khẩu trang tại Trung Quốc đã tăng lên gấp năm lần.
Dữ liệu từ đại học Johns Hopkins cho thấy dịch bệnh đang tăng mạnh tại các quốc gia và vùng lãnh thổ với số người nhiễm thêm hàng ngày hầu hết tăng cao. Duy nhất Trung Quốc và con tàu Diamond Princess bị cách ly hoàn toàn trên biển, là có số ca nhiễm tăng trưởng chậm lại. Việc khống chế dịch bệnh tại Trung Quốc bắt đầu mang lại hiệu quả từ cuối tháng Hai.
Hiện số ca nhiễm virus trên toàn thế giới đã đạt gần 1,2 triệu người, trong đó Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Pháp đã có số bệnh nhân vượt Trung Quốc.
Bắt đầu từ tháng Ba, dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Mỹ và các nước châu Âu. Thói quen không đeo mặt nạ tại nơi công cộng (có thể) là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan. Đó cũng là nguyên nhân các nước này gần như hoàn toàn bị động trong việc sản xuất khẩu trang, và phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Nhu cầu lớn từ hàng loạt các quốc gia như Mỹ, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp… khiến Trung Quốc trở thành nhà cung cấp có vị thế đàm phán.
The Guardian dẫn nguồn tin từ một nhà sản xuất khẩu trang Trung Quốc cho biết các đơn đặt hàng khẩu trang từ nước ngoài hiện phải thanh toán trước một nửa số tiền, và nửa còn lại khi hàng được sản xuất xong, mà chưa cần đến giai đoạn nhận hàng như thông lệ trước đó.
Minh Thư