Trung Quốc đang cân nhắc phương án bán TikTok tại Mỹ cho Elon Musk

Tiểu Di

14/01/2025 13:23

Tờ Bloomberg đưa tin, Trung Quốc mong muốn TikTok vẫn thuộc quyền sở hữu của ByteDance. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc cũng đang xem xét phương án chuyển nhượng mảng TikTok tại Mỹ cho Elon Musk.

Đến nay, các cuộc thảo luận đang trong giai đoạn sơ bộ. Mặc dù Trung Quốc ưu tiên giữ TikTok trong tay ByteDance, họ cũng nhận thức được việc phải đàm phán một cách khó khăn với chính quyền Trump về nhiều vấn đề như thuế quan, kiểm soát xuất khẩu. Do đó, thương vụ bán TikTok được xem như một lĩnh vực tiềm năng để hòa giải mối quan hệ.

TikTok từ chối bình luận, ông chủ của X cũng chưa đưa ra phản hồi. Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) và Bộ Thương mại Trung Quốc – những đơn vị có thể liên quan đến các quyết định về tương lai của TikTok - cũng chưa có bình luận.

Vào tháng 4/2024, Tổng thống Joe Biden ký đạo luật yêu cầu ByteDance - công ty mẹ của TikTok, phải bán lại hoạt động của ứng dụng này tại Mỹ trước ngày 19/1, nếu không sẽ bị cấm.

z6227098465096-868800bfb7b021bd87e2e1e96792fbed-1736835612.jpg
Nhiều tin đồn TikTok sẽ bán thị phần tại Mỹ cho tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Tiểu Di

TikTok và ByteDance sau đó khởi kiện đạo luật, cho rằng nó vi phạm Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận. Mạng xã hội này có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ.

Đến 6/12/2024, Tòa phúc thẩm D.C (Tòa Phúc thẩm Liên bang Đặc khu Columbia, một trong 13 tòa phúc thẩm liên bang của Mỹ) bác đơn kiện của TikTok. Họ kết luận chính phủ hành động chỉ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận khỏi một quốc gia đối địch nước ngoài và hạn chế khả năng dữ liệu về người Mỹ bị thu thập.

Hai nguyên đơn trong vụ kiện sau đó tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Tuần trước, Tòa án Tối cao phát tín hiệu nghiêng về khả năng ủng hộ lệnh cấm TikTok nếu không bán lại hoạt động kinh doanh trước ngày 19/1. Họ cũng lập luận dựa trên các lo ngại về an ninh quốc gia.

Trong khi đó, giới lãnh đạo ByteDance nhiều lần khẳng định ưu tiên hàng đầu là chống lại dự luật của Mỹ buộc công ty phải bán hoặc đóng cửa hoạt động tại đây. Luật sư của TikTok lập luận rằng đạo luật này vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp.

Giá trị của TikTok tại Mỹ được ước tính khoảng 40-50 tỷ USD, theo các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence. Đây là một con số lớn ngay cả với người giàu nhất thế giới như Elon Musk.

Ngoài Musk, một số bên khác cũng đã bày tỏ quan tâm đến TikTok Mỹ. Dự án Liberty của tỷ phú Frank McCourt và nhà đầu tư Kevin O’Leary đã tham gia đàm phán với Trump về việc mua lại TikTok. Trước đó, Microsoft và Oracle cũng từng cân nhắc thương vụ liên quan đến ứng dụng này.

Tổng thống đắc cử Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, đang tìm cách trì hoãn lệnh cấm TikTok có hiệu lực từ 19/1 để có thể tham gia đàm phán. Ông này cho biết muốn "cứu" ứng dụng và có tin đồn rằng có thể sẽ có hành động phút chót để lách luật.

Dù vụ việc vẫn đang chờ phán quyết chính thức từ Tòa án Tối cao, vận mệnh của TikTok tại Mỹ đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Trung Quốc tỏ ra sẵn sàng xem xét phương án bán mảng kinh doanh này cho Elon Musk bất chấp mong muốn giữ ứng dụng thuộc quyền kiểm soát của ByteDance. Động thái này cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung với chính quyền Mỹ trong bối cảnh thương chiến leo thang.

Tiểu Di