Toàn cảnh vụ việc giữa Ricons và Coteccons: Nguyên nhân phải chăng đến từ gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng?

Hồng Vũ

30/07/2023 15:19

Ricons bất ngờ yêu cầu Toà án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons vì doanh nghiệp này nợ tiền nhiều năm không trả. Điểm đáng chú ý, Coteccons và Ricons lại đang nằm ở hai liên doanh khác nhau để tranh dành gói thầu 5.10 có giá trị hơn 35.000 tỷ đồng ở sân bay Long Thành.

Ricons mở thủ tục phá sản cho Coteccons

Ngày 29/7, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) lên tiếng chính thức về những thông tin liên quan đến việc Ricons yêu cầu Toà mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) về khoản công nợ giữa hai nhà thầu.

Theo phía Ricons, việc nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons là kết quả của khoản công nợ quá hạn đã được Coteccons thừa nhận nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán.

“Ricons đã cân nhắc phương án tối ưu nhất để thu hồi công nợ và đã chủ động gửi nhiều công văn đến Coteccons đề xuất phương án giải quyết. Trong quá trình đó, cũng đã thông báo và cập nhật cho Coteccons về việc Ricons đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với mong muốn giải quyết trước khi Tòa án thụ lý đơn, nhằm tránh hậu quả bất lợi có thể xảy ra. Nhưng rất tiếc, chúng tôi đã không nhận được phản hồi thiện chí từ Coteccons”, phía Ricons cho hay.

Việc Ricons yêu cầu thanh toán công nợ và nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật trong suốt một thời gian dài. Đến ngày 4/7/2023, Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu của Ricons.

Cũng theo Ricons, hành động pháp lý nêu trên không nhằm mục đích nào khác là để thu hồi khoản công nợ quá hạn đã lâu, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty và cổ đông, đảm bảo dòng tiền thanh toán cho các đối tác nhà thầu phụ/nhà cung cấp đã đồng hành cùng Ricons trong tình hình thị trường khó khăn như hiện tại.

Đến thời điểm hiện tại, Ricons cho hay vụ việc vẫn đang được Tòa án giải quyết. Mọi lập luận, kết luận liên quan đến vấn đề giữa hai Công ty sẽ được trình bày và giải quyết tại Tòa án – nơi được cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về vụ việc.

Theo báo cáo tài chính từ quý 2/2023, phía Ricons ghi nhận tính đến 30/6, CTD nợ doanh nghiệp này hơn 322 tỷ đồng - nằm ở khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng.

358828644-593429579532514-3474361348043493710-n-1690704968.jpeg
Cuộc đối đầu trên phương diện pháp lý giữa Ricons và CTD lại đang đúng thời điểm cả hai doanh nghiệp này dự thầu ở sân bay Long Thành.

Doanh thu thuần của CTD tăng 10%

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, CTD ghi nhận doanh thu thuần gần 3,619 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu chính đến từ hợp đồng xây dựng chiếm phần lớn với gần 3,613 tỷ đồng, còn lại đến từ cho thuê thiết bị xây dựng gần 4 tỷ đồng và cho thuê văn phòng hơn 3 tỷ đồng.

Nợ phải trả của CTD ghi nhận hơn 13,103 tỷ đồng, tăng 22% so đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 697 tỷ đồng; khoản vay tài chính dài hạn gần 498 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản nợ đối với Ricons trong kỳ báo cáo này không được phía CTD nhắc tới.

Trước đó, ngày 25/7, CTD công bố thông tin về việc nhận được Thông báo số 10/TB-TA ngày 04/07/2023 của TAND TP.HCM về việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons.

CTD khẳng định có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai công ty.

Công nợ phát sinh từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết với nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.

Quá trình hoạt động trong hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch liên quan đến Coteccons với vai trò nhà thầu phụ tại các dự án như: Dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á, Dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai công ty.

Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.

Tương tự, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh công nợ cho Ricons với vai trò nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như: Dự án Newtatco, Dự án Regina Giai đoạn 4, nhà xưởng Regina Miracle, Regina Giai đoạn 6, Dự án Regina Hưng Yên, dự án nhà máy Vinfast, dự án Simco.

CTD chia sẻ: “Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa hai công ty. CTD đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu”.

Gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng

Vụ việc Ricons đề nghị Toà án mở thủ tục phá sản đối với CTD trong bối cảnh hai doanh nghiệp này đang tham gia các giai đoạn chấm điểm các nhà thầu trong vụ đấu thầu thi công thói thầu trị giá hơn 35.000 tỷ đồng ở dự án sân bay Long Thành.

Trước đó, vào ngày 6/7, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành.

Tại buổi làm việc, đại diện của ACV cho biết, ngày 12/6 đã thực hiện mở thầu đối với gói thầu 5.10 xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách.

Trong tháng 7, ACV sẽ hoàn thành việc chấm thầu, lựa chọn nhà thầu đối với hạng mục này. Công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 8/2023.

Cùng với đó, các hạng mục đường cất, hạ cánh, sân đỗ tàu bay cũng sẽ được đồng loạt khởi công trong tháng 8/2023 và tháng 9/2023.

Gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành, được xem là đường găng tiến độ của toàn bộ dự án sân bay Long Thành. Gói thầu này có trị giá hơn 35.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, công trình nhà ga hành khách sân bay Long sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, mốc thời gian này đã không đảm bảo do việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu không thành công. Sau đó, ACV phải gia hạn thời gian mời thầu gói thầu 5.10 thêm 1 tháng và kéo dài thời gian thực hiện gói thầu này từ 33 tháng lên 39 tháng, kế hoạch đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác từ năm 2025 phải đẩy sang năm 2026.

Qua tìm hiểu, tại gói thầu 5.10, CTD và Ricons đứng ở hai chiến tuyến khác nhau để tham gia dự thầu. Trong đó, CTD đứng đầu Liên danh số 2 - Hoa Lư. Còn Ricons là một thành viên trong nhóm Liên danh số 3 - Vietur.

Được biết, Liên danh Vietur với đơn vị đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng Ic Istas (Ic Istas). Đơn vị này thành lập năm 1969, trực thuộc Tập đoàn IC Holding có trụ sở chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên danh Vietur còn có sự tham gia của một số nhà thầu trong nước. Nổi bật là các nhà thầu nằm trong hệ sinh thái do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập như Ricons, Newtecons, Sol E&C. Trong đó, Newtecons và Ricons đã cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng. Ông Dương là người sáng lập Coteccons, tuy nhiên phải rời "ghế" Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này vào tháng 10/2020. Sau đó, ông Dương ra riêng và thành lập hệ sinh thái mới.

Hồng Vũ