Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng thăm đầu não của Ví điện tử MoMo

dang.pham

14/10/2020 17:47

Trong suốt 10 năm phát triển, MoMo đi cùng với của nền kinh tế số Việt Nam, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công của Chính phủ.

Ngày 12.10.2020, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ, dẫn đầu là TS. Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ tư vấn) đã đến thăm và làm việc tại văn phòng Ví điện tử MoMo. Tại buổi gặp gỡ các thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ và Ban lãnh đạo Ví MoMo đã những trao đổi cởi mở xoay quanh nội dung vai trò của các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam.

Đại diện Ví điện tử MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp (Đồng sáng lập, Phó chủ tịch) đã dẫn đoàn tham quan các bộ phận quan trọng, được xem là “trái tim của MoMo”. Trong đó có Trung tâm Công nghệ Sản phẩm, Bộ phận nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), Bộ phận phát triển giải pháp kết nối cho các doanh nghiệp SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, hộ gia đình), Đơn vị phát triển ứng dụng và quản lý vận hành.

Vào tháng 9.2020, MoMo chính thức công bố cán mốc 20 triệu người sau 10 năm ra mắt thương hiệu Ví MoMo trên thị trường. Đây là giai đoạn mở ra chiến lược mới của của Ví điện tử MoMo, trở thành siêu ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam.

Ngay trong Quý 4.2020, người dùng Việt Nam sẽ thật sự được trải nghiệm Siêu ứng dụng từ Ví MoMo. Với siêu ứng dụng, các đối tác có thể có thêm hàng triệu khách hàng mới, cũng như chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả với chi phí thấp. Đặc biệt, siêu ứng dụng sẽ tạo điều kiện cho các đối tác nhỏ bé, đơn lẻ có thể tương tác trên nền tảng Ví MoMo, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

MoMo cho biết, Siêu ứng dụng sẽ đóng vai trò như những “CTO, CMO, CFO” của đối tác, đặc biệt là các SMEs. Nói rộng hơn là tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam. Đây chính là yếu tố chính trong Chiến lược New Retail - xu hướng mà các doanh nghiệp Việt đang hướng đến. Khi đó, bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến hoà hợp trong cùng một trải nghiệm thống nhất do dữ liệu dẫn dắt (data driven).

Việt Nam hiện có tới 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp 47% vào GDP cả nước, theo IDC - Tập đoàn dữ liệu quốc thế giới công bố hồi đầu tháng 9/2020. Nếu tham gia vào quá trình chuyển đổi số, nhóm các doanh nghiệp này có thể đóng góp đến 30 tỉ USD vào GDP quốc gia vào năm 2024. Số liệu IDC cũng cho thấy có tới 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa những sản phẩm mới ra thị trường. Tỉ lệ này tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, chỉ ở mức 32%.

Phối hợp cùng các Ngân hàng, Tổ chức tài chính, Ví điện tử MoMo sẽ xây dựng thang điểm tín dụng cá nhân (credit scoring) khi sử dụng MoMo, giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính, bảo hiểm một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Theo báo cáo của Google 2019, chỉ có khoảng 30% người Việt Nam trên độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, thấp hơn so với những quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tuy nhiên, tỉ lệ người lớn sử dụng smartphone tại Việt Nam lại chiếm tới 72%. Do đó, MoMo hướng tới phát triển giải pháp tài chính toàn diện cho người dân Việt Nam khắp mọi vùng miền nhằm giúp họ, đặc biệt nhóm thu nhập thấp có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay chính thức một cách dễ dàng hơn.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cùng Chính phủ xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử cho dịch vụ công là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của MoMo. Đến nay, người dùng của MoMo tại 40 tỉnh, thành trên toàn quốc đã có thể thanh toán phí, lệ phí, đóng phạt hành chính bằng Ví điện tử MoMo.

Từ đầu tháng 4.2019, MoMo đã triển khai phối hợp Đề án Thành phố thông minh với TP. Đà Nẵng để người dân có thể thanh toán điện tử cho các dịch vụ hành chính công qua ví điện tử MoMo. Từ những dấu hiệu tích cực ban đầu, ứng dụng MoMo cũng được hỗ trợ để phối hợp cùng chính quyền nhiều tỉnh, thành phố mở rộng mô hình thanh toán điện tử cho các dịch vụ khác trên địa bàn thành phố như thu phí chung cư, phí đỗ xe, học phí, viện phí, thanh toán cho nhà hàng, khách sạn, cơ sở du lịch.

Tỉ trọng của thanh toán không tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong kinh tế tăng dần qua các năm cho thấy tín hiệu tích cực trong chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu cập nhật mới nhất cho thấy tỉ trong thanh toán phi tiền mặt, đặt biệt qua kênh di động tăng mạnh mẽ. Cụ thể, thanh toán qua kênh điện thoại di động trong 4 tháng đầu năm 2020 đã tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

“MoMo không nhìn thanh toán dịch vụ công như mảng kinh doanh thông thường mà nó sẽ tạo ra những tác động lớn về mặt vĩ mô. Việc thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến về bản chất là thúc đẩy sự phát triển của xã hội, “xây dựng nền tảng của một xã hội không tiền mặt” như mục tiêu Chính phủ hướng tới”, ông Diệp nhấn mạnh.

Không chỉ tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chặng đường MoMo đã đi qua đã đặt nền móng cho những công ty fintech tiếp tục phát triển. MoMo là một trong những ví đầu tiên thành lập tại Việt Nam và cũng là đơn vị tiên phong hợp tác với các ngân hàng, đối tác doanh nghiệp, mở rộng hệ sinh thái và tạo cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho những công ty khác tham gia vào hệ sinh thái Fintech Việt Nam luôn đổi mới và phát triển để người dùng có thể tiếp cận tới những sản phẩm dịch vụ tốt nhất. Nếu như năm 2015, thị trường Fintech Việt Nam chỉ có 5 ví điện tử thì đến nay đã có 37 ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động.

Thông tin doanh nghiệp

dang.pham