Tin mừng từ châu Âu

caodung

24/06/2020 18:53

Đại nhạc hội ngày 21.6.2020 được tổ chức thành công tại Pháp là dấu hiệu đáng mừng cho triển vọng bình thường trở lại. Tình hình tại Tây Ban Nha, Ý và Đức cũng sáng sủa hơn trước.

Ngày 21.6, như thông lệ từ năm 1982, Pháp tổ chức thành công lễ hội âm nhạc đường phố hàng năm Fête de la musique, buổi đại nhạc hội mà ít người cho rằng có thể diễn ra trong bối cảnh đại dịch năm nay.

COVID-19 đã làm tê liệt nước Pháp nhiều tháng liền và vẫn chưa hoàn toàn bị loại trừ, rủi ro bùng phát có thể cảm nhận được rõ ràng: lễ hội được tổ chức suốt đêm có ít người biểu diễn hơn mọi khi, và các nhà tổ chức phải nghĩ ra các biện pháp phòng ngừa đầy sáng tạo: các nghệ sỹ biểu diễn trên sân khấu lưu động dựng ngay trên xe tải.

Nhưng sự kiện vẫn diễn ra bất chấp tất cả là minh chứng cho sự thành công tương đối của Pháp trong việc kiểm soát virus Corona sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng trước.

Kể từ ngày 11.5, khi Tổng thống Emmanuel Macron ra lệnh mở cửa dần dần trường học và doanh nghiệp, tỉ lệ nhiễm COVID-19 đã chững lại, kể cả ở Paris và các khu vực đông bắc nơi đại dịch dữ dội nhất. Nhờ vậy, ông Jean-Francois Delfraissy, nhà tư vấn khoa học hàng đầu Pháp đã tuyên bố Pháp kiểm soát được đại dịch.

Với các biện pháp giãn cách xã hội vẫn còn được thực thi và yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng, các ca nhiễm mới đã chững lại ở mức 450 trường hợp một ngày, so với lúc cao điểm là 7.500 người nhiễm mới/ ngày. Kể từ khi nới lỏng phong tỏa, số lượng người nhiễm hàng tuần được chuyển đến bệnh viện giảm gần một nửa. Tất cả doanh nghiệp và trường học đã quay lại hoạt động từ thứ Hai.

“Chúng ta sắp sửa khôi phục được “nghệ thuật sống” và niềm yêu thích tự do”, ông Macron nói với người dân Pháp ngày 14.6.

Các xu hướng hứa hẹn tương tự cũng xuất hiện khắp châu Âu. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của EU, tổ chức theo dõi đại dịch tại 31 quốc gia bao gồm cả Anh, các ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm 82% kể từ ngày 9.4 (mốc đỉnh dịch), với chỉ còn ba nước (Hy Lạp, Malta và Rumani) báo cáo con số cao hơn hai, ba tháng trước.

Tại Tây Ban Nha, theo số liệu chính thống còn gây tranh cãi, chỉ có 154 ca nhiễm vào ngày 18.6, so với 373 ca vào 11.5 khi nước này bắt đầu cẩn thận tháo bỏ các lệnh cấm vận hà khắc. Tỉ lệ ca nhiễm hàng ngày giảm đến 98% so với cao điểm hồi tháng Ba. Ý trong tháng Sáu phát hiện 200-300 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đức báo cáo khoảng 300 ca trung bình mỗi ngày, giảm từ 4.000 ca trong tháng Ba và tháng Tư.

Ngoại lệ ở châu Âu là Anh, nước này chậm áp dụng các biện pháp hạn chế, và Thụy Điển, nước không hề áp dụng bất kỳ lệnh hạn chế nào để phòng dịch: cả hai nước này cho đến ngày 17.6 đều đang phát hiện hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Tuy nhiên, sự xuất hiện những điểm nóng mới là lời nhắc nhở liên tục rằng đại dịch có thể quay trở lại. Số người nhiễm ở Rouen, Tây Bắc Paris đã đẩy tỉ lệ lây nhiễm R (reproduction rate) lên đến trên 1,5 trong khu vực. Điều này có nghĩa mỗi một bệnh nhân nhiễm COVID-19 trung bình lây cho hơn một người khác. Trong vòng một tuần, 1.000 người dương tính với virus có liên quan đến một lò mổ tại Đức, đã khiến tỉ lệ R nhảy từ 1,06 lên 2,88.

Thiết lập lại các lệnh hạn chế tại Hàn Quốc và Bắc Kinh cũng thể hiện sự cẩn trọng. Số người nhiễm ở Pháp vẫn còn cao hơn mức các nước châu Á có thể chấp nhận.

Pháp có sự chuẩn bị tốt hơn cho làn sóng dịch mới. Khi đại dịch mới bắt đầu, nước này thiếu khả năng xét nghiệm, thiết bị y tế và phải chuyển bệnh nhân sang Đức và Thụy Sỹ. Do đó, Pháp phải trả một cái giá cao cho đại dịch, với gần 30 nghìn người tử vong – số người tử vong ở hàng cao nhất thế giới. Hiện Pháp có thể làm 700 nghìn xét nghiệm mỗi tuần và đào tạo được đội ngũ 6,500 nhân viên truy dấu vết lây nhiễm.

Yonathan Freund, bác sỹ khẩn cấp tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière, Paris cho biết bệnh viện đã quay lại trạng thái bình thường sau cơn lũ bệnh nhân COVID-19 vào tháng Tư. “Tất cả các dấu hiệu đều rất, rất tích cực. Nếu bệnh dịch quay trở lại, chúng ta sẽ phát hiện sớm hơn rất nhiều và có thể tiến hành giãn cách xã hội, xét nghiệm và cách ly người dân.”

Đại dịch cũng đã lui trong tâm trí mọi người. Tại Paris, các quán cà phê đông đúc, giao thông trở lại và ít người đeo khẩu trang hơn. Romain Siavy, một nhà tạo mẫu tóc, nói rằng một số khách hàng của mình đã ngừng đeo khẩu trang. Số người tải ứng dụng theo dõi trên di động của chính phủ cũng giảm. Một số quan chức y tế lo lắng rằng bệnh dịch sẽ trở lại mạnh như trước nếu chủ quan.

“Làn sóng đầu tiên đang sắp sửa kết thúc ở châu Âu và Pháp, nhưng đại dịch thì còn lâu mới kết thúc và virus vẫn còn lan truyền theo đủ mọi cách”, Jérôme Salomon, quan chức bộ y tế cho biết. “Sẽ là vô trách nhiệm nếu không chuẩn bị cho làn sóng thứ hai trong mùa thu và mùa đông”. Ông cho biết thêm nhiều ca nhiễm hơn được dự báo cho các kỳ nghỉ hè.

Martin Blachier, nhà dịch tễ học tại Đại học Versailles Saint Quentin còn lo ngại khả năng xét nghiệm và theo dấu vết có thể không chống chọi được làn sóng thứ hai. “Đội ngũ y tế có thể xử lý được tình huống hiện tại khi virus lây nhiễm ở mức độ thấp”, ông cho biết, “nhưng họ sẽ quá tải nếu số lây nhiễm gia tăng”.

Lược dịch từ Financial Times

caodung
Bạn đang đọc bài viết "Tin mừng từ châu Âu" tại chuyên mục Khoa học quản lý.