Tính đến 29.5.2020, tín dụng trong hệ thống ngân hàng tăng trưởng 1,96% so với cuối năm 2019, là mức tăng thấp nhất kể từ 2010. Cùng kỳ 2019, mức tăng trưởng tín dụng đạt 7,33%.
Tăng trưởng tín dụng quá thấp “luôn là một dấu hiệu xấu của nền kinh tế” - một chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá.
Tăng trưởng tín dụng thấp trong điều kiện lãi suất đã được điều chỉnh giảm hai lần kể từ đầu năm, về lý thuyết, sẽ giúp các doanh nghiệp/cá nhân dễ dàng vay vốn hơn.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung tái cơ cấu các khoản nợ cũ đến hạn, hỗ trợ khách hàng, mà không xem xét nhiều đến các khoản vay mới. Phó phòng tín dụng của một ngân hàng thương mại cho biết ngân hàng hết sức lo ngại tình trạng nợ xấu trong tương lai, nên dè dặt trong việc xét duyệt các khoản vay mới. Tình hình kinh doanh khó khăn cũng khiến các doanh nghiệp thu hẹp hoạt động thay vì vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Các ngân hàng đang tìm kiếm lợi nhuận từ việc thu phí thay vì chỉ tập trung vào mảng kinh doanh truyền thống là cho vay. Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông gần đây, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết ngân hàng đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng như bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng số… Doanh thu từ dịch vụ tư vấn phát hành chứng khoán và dịch vụ hoa hồng hợp tác bán bảo hiểm của Techcombank chiếm gần 60% trong cơ cấu doanh thu phi tín dụng năm 2019, theo báo cáo của ngân hàng. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa triển khai dịch vụ ngân hàng cá nhân, quản lý tài sản cho các cá nhân có giá trị tài sản trên 1 triệu USD, nhằm tăng nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng...
Minh Thư