Tiêu chuẩn lao động quốc tế - Thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam

Hải Phong

18/10/2023 07:07

Với mục tiêu nhìn nhận cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu và chuỗi cung ứng trong bối cảnh trên, qua đó nâng cao hiểu biết chung của các bên liên quan, và phối hợp triển khai các hành động cần thiết, ngày 17/10 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam”.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, trong đó có vai trò quan trọng của hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới FTAs (Hiệp định thương mại tự do "thế hệ mới"). Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTAs, trong đó có 4 hiệp định chứa đựng cam kết lao động và được xếp vào loại “thế hệ mới”.

tieu-chuan-lao-dong-quoc-te-pld-1697558152.jpg

Hội thảo “Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Đức Anh – Phó Viện trưởng CIEM cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế; trong đó có vai trò quan trọng của hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đặc biệt, các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA được coi là các FTA thế hệ mới, phù hợp xu thế phát triển của thương mại hiện đại. Tính chất “mới” của các hiệp định này bao gồm mức độ tự do hóa cao cho thương mại và đầu tư cùng các quy tắc thương mại tiên tiến, các cam kết phi truyền thống.

Nhờ vậy, các FTAs không chỉ mở ra các cơ hội thương mại tiềm năng với các nền kinh tế phát triển mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý và thực thi về thương mại - đầu tư của nước ta.

Tuy nhiên, các FTAs thế hệ mới chứa đựng nhiều quy định điều chỉnh chính sách thương mại trong nước của các quốc gia thành viên và đặc biệt coi trọng mục tiêu phát triển bền vững. Điều này thể hiện ở các quy định không thuộc phạm trù thương mại (môi trường, lao động...) nhưng sẽ bị ràng buộc thực hiện.

Theo đó, ông Đặng Đức Anh cho rằng, để thực thi các cam kết phi truyền thống, cụ thể trong lĩnh vực lao động, Việt Nam đã và đang tiến hành nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế và từng bước triển khai trên thực tế.

Cùng với các cơ chế thúc đẩy thực thi FTAs (được coi là cam kết giữa các Chính phủ), gần đây, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU và Hoa Kỳ còn tăng cường thực thi các cam kết phát triển bền vững thông qua Luật Thẩm định Trách nhiệm Chuỗi cung ứng, đòi hỏi doanh nghiệp tại nước họ có trách nhiệm truy soát chuỗi cung ứng.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, cam kết về lao động của Việt Nam - EAEU ở mức độ thấp nhất, cao hơn là EVFTA/UKVFTA và cam kết ở mức cao nhất là CPTPP. Những yêu cầu của thị trường Mỹ về tiêu chuẩn lao động quốc tế tương đương các cam kết của CPTPP.

ts-nguyen-minh-thao-pld-1697558152.jpg

TS Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM).

Để khai thác hiệu quả các FTA và nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam, bà Thảo đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần cải cách theo thông lệ quốc tế, nội luật hóa các cam kết và triển khai thực thi hiệu quả, trong đó có cam kết về lao động. Cùng với đó, cần cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh, an toàn kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, khuyến khích sáng tạo.

Còn theo ông Tim De Meyer – Cố vấn cấp cao về Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế, Vụ Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế, Văn phòng Lao động Quốc tế tại Geneva cho hay, cam kết nỗ lực để đạt được một chu kỳ thành công về phúc lợi của người lao động và sự vững mạnh về xã hội và kinh tế sẽ dẫn đến tăng trưởng bền vững và tăng lương thực tế theo năng suất, góp phần đầu tư thêm vào nguồn nhân lực.

“Quyền tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc làm thỏa đáng và tăng trưởng tiền lương” – ông Tim De Meyer nhấn mạnh.

Hải Phong