Thương hiệu huyền thoại Phở 24 của doanh nhân Lý Quí Trung sau khi sang tay cho High Land với giá 20 triệu USD bây giờ ra sao?

Chí Cang

01/06/2022 09:24

Hiện nay có một số thông tin về việc chuỗi thương hiệu Phở 24 đã không còn hoạt động sau 10 năm, kể từ thời điểm ông Lý Quí Trung bán thương hiệu với giá 20 triệu USD. Thực hư thông tin này là như thế nào?

Theo như thông tin tìm hiểu, Phở 24 đã không còn hoạt động mạnh mẽ như trước. Chuỗi cửa hàng ngày càng thu hẹp quy mô kể từ thời điểm nhà sáng lập Lý Quí Trung phải bán đi chuỗi cửa hàng gắn liền với tên tuổi của ông trên thương trường.

 

Phở 24 được ông Lý Quí Trung thành lập vào thành 6/2003 với cửa hàng đầu tiên được đặt tại Quận 1, TPHCM với số vốn ban đầu chỉ có 1 tỷ đồng. Đây là thương hiệu phở đầu tiên được phục vụ theo mô hình nhà hàng và điều khiến thu hút khách hàng đó là “ăn phở trong máy lạnh”. Ý nghĩa của con số "24" là tô phở được chế biến từ 24 gia vị khác nhau theo công thức đặc biệt kết hợp khẩu vi của 3 miền. Mặt khác con số 24 cũng tượng trưng cho 24 giờ trong một ngày, luôn luôn mở cửa tiếp đón khách hàng.

Tham vọng của ông chủ Lý Quí Trung muốn đem món phở Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới. Mục tiêu tưởng chừng như đang sắp đạt được khi có thời điểm chuỗi Phở 24 mở rộng lên đến hơn 70 cửa hàng cả trong và ngoài nước. Để đạt được con số 70, ông Trung đã triển khai mô hình nhượng quyền thương hiệu để nhanh chóng phát triển quy mô. Nhưng chính việc này cũng là một phần trong nguyên nhân khiến ông phải bán đi cả tâm huyết của mình.

 

Thời gian đầu Phở 24 phát triển vô cùng mạnh mẽ lên đến hơn 70 cửa hàng

Năm 2011, sau 11 tháng đàm phán thì ông Trung đã bán lại 100% cổ phần Phở 24 cho Tập đoàn Việt Thái Quốc Tế (VTI) - đơn vị sở hữu chuỗi cà phê Highlands Coffee. Giá trị thương vụ lên đến con số 20 triệu USD.

Nhà sáng lập Phở 24 đã tiết lộ rằng nguyên nhân chính phải bán đi cả một thương hiệu tâm huyết của mình bởi vì thiếu hụt tài chính. Mặc dù chuỗi cửa hàng đã từng phát triển mạnh mẽ, nhưng giai đoạn năm 2011 bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Vì thế ông Lý Quí Trung muốn đầu tư thêm nguồn vốn để đủ khả năng cạnh tranh trong nước, phát triển thêm thị trường quốc tế. Nhưng có diễn biến bất ngờ xảy ra, Qũy đầu tư VinaCapital chuẩn bị thoái vốn khỏi công ty. Và ông Trung thì không muốn vay vốn ngân hàng. Dẫn đến việc không đủ khả năng “gồng gánh”.

Mặt khác, do triển khai mô hình nhượng quyền nhưng hệ thống không đủ khả năng kiểm soát chất lượng đồng bộ, ảnh hưởng nặng nề đến thương hiệu Phở 24. Cùng thời điểm đó các thương hiệu thức ăn nhanh lớn mạnh trên thế giới đổ bộ vào Việt Nam như: KFC, Lotteria,... Những điều này đã làm suy yếu khả năng cạnh tranh của chuỗi phở sang trọng này. Từ đó, Phở 24 được sang tay chủ mới, cùng hệ sinh thái với Highlands Coffee.

 

Những người từng và đang sở hữu thương hiệu Phở 24

(Từ trái sang phải: Ông Lý Quí Trung, Ông David Thái, Ông Tony Tan Caktiong)

Thời gian đầu tiếp nhận chuỗi thương hiệu phở sang trọng này, ông David Thái - Chủ tịch Tập đoàn Việt Thái đã liên tục mở thêm cửa hàng tại các tỉnh thành trên cả nước. Ông từng tuyên bố rằng sẽ mở rộng mô hình kinh doanh Phở 24 trên khắp các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang,.... Mục tiêu phát triển của vị chủ tịch David Thái mong muốn đạt con số 1.000 cửa hàng. 

Ngỡ như giai đoạn tiếp theo của Phở 24 sẽ trở thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam khi có được người chủ mới tâm huyết như vậy. Nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, Tập đoàn VTI đã quyết định bán 50% cổ phần của chuỗi cửa hàng Phở 24 cho Tập đoàn Jollibee của ông Tony Tan Caktiong (Philippines) - công ty sở hữu chuỗi thức ăn nhanh đình đám Jollibee.

Hiện tại Phở 24 kinh doanh ra sao?

Theo như thông tin hiện trên website chính thức của Phở 24, hiện tại chuỗi này đang sở hữu 22 cửa hàng tập trung chủ yếu ở TPHCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng. Kênh Facebook Phở 24 cũng thường xuyên đăng tải các thông tin chương trình khuyến mãi kết với các nền tảng giao thức ăn. Mặc dù trải qua đợt dịch Covid 19 tàn phá nặng nề ngành hàng F&B, nhưng Phở 24 vẫn có thể tồn tại. Điều đó thể hiện được công ty vẫn cố gắng phát triển chuỗi thương hiệu phở sang trọng hàng đầu Việt Nam.

 

Trên trang Facebook Phở 24 thường xuyên đăng tải hình ảnh khuyến mãi, tuyển dụng

Từng có con số thống kê giai đoạn 2017 - 2018, mỗi năm Phở 24 bán ra hơn 5 triệu tô phở. Ngoài ra, thương hiệu này đã có mặt tại Indonesia và Philippines. Cửa hàng được đánh giá là có trải nghiệm khách hàng tốt hơn, phục vụ nhanh hơn. Tại Việt Nam, chuỗi Phở 24 tích cực hợp tác với các nền tảng giao đồ ăn như Grab, Baemin, Gojek, ShopeeFood,... Thương hiệu này liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng. Điều này không giống như một số thông tin về việc Phở 24 đã “dẹp hết”. 

 

Tình hình kết quả kinh doanh của chuỗi cửa hàng Phở 24

Tuy nhiên tình hình tài chính kinh doanh của Phở 24 lại không được khả quan. Trước năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu chỉ quanh quẩn con số 70 - 80 tỷ đồng, nhưng thu không bù đắp được hết chi phí dẫn đến lỗ 20 - 30 tỷ đồng mỗi năm. Và năm 2019, doanh thu bất ngờ tăng trưởng hơn 48%, giúp cho doanh thu công ty đạt con số 120 tỷ. Tưởng chừng mức thu tăng đột biến như vậy sẽ giúp Phở 24 thoát lỗ, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Cùng năm nay công ty cũng ghi nhận mức lợi nhuận âm kỷ lục hơn 33 tỷ đồng. Lỗ liên tục nhiều năm liền khiến công ty âm vốn chủ sở hữu lên đến khoảng 178 tỷ đồng.

Chí Cang