Thương chiến không tác động nhiều đến FDI Trung Quốc

thunguyen

01/10/2019 16:24

So với Đông Nam Á, Trung Quốc bắt đầu thua kém về khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ năm 2017, trước khi xảy ra thương chiến.

Năm 2017, lần đầu tiên sau 15 năm, nguồn vốn FDI đổ vào ASEAN vượt Trung Quốc, đạt 137 tỉ USD so với 135 tỉ USD của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những dấu hiệu đầu tiên của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xuất hiện vào cuối tháng 1.2018, khi tổng thống Donald Trump tuyên bố đánh thuế vào máy giặt và pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dữ liệu FDI vào các nước Đông Nam Á (Nguồn: HSBC tổng hợp)
Dữ liệu FDI vào các nước Đông Nam Á (Nguồn: HSBC tổng hợp)

Trao đổi với Tạp chí Nhà Quản Lý, ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc cho rằng việc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á nói chung chủ yếu do chính sách kiểm soát môi trường và chính sách nâng cấp công nghệ của nước này. Các doanh nghiệp không có lý do để dời nhà xưởng khi chưa kịp thay đổi chuỗi cung ứng - một yếu tố cực kỳ khó thay đổi trong điều kiện toàn cầu hoá như hiện nay.

Từ năm 2010, khi khủng hoảng kinh tế khu vực bắt đầu qua đi, ASEAN bắt đầu bước vào thời kỳ thu hút FDI mạnh mẽ, đặc biệt khi so với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Nếu nhìn ASEAN với tư cách một nền kinh tế, đó sẽ là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, sau Trung Quốc, Ấn Độ, và thứ bảy toàn cầu. Tổng GDP mười nước ASEAN đạt trên 2.700 tỉ đô la Mỹ, dân số gần 650 triệu người.

“GDP của ASEAN dự kiến sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020. Theo dự báo, khu vực có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Có rất nhiều lợi ích kinh tế mà chúng ta sẽ gặt hái được, qua đó mang lại cuộc sống sung túc hơn cho tất cả người dân ASEAN”, Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu tại lễ ký kết thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN hồi tháng 11.2015.

Tại Việt Nam, khu vực kinh tế FDI tiếp tục tăng trưởng và ghi dấu ấn vào thành tích kinh tế chung của cả nước.

Trong chín tháng đầu năm 2019, ước tính các dự án FDI đã giải ngân 14,22 tỉ USD, tăng 7,33% so với cùng kỳ 2018 - theo số liệu mới công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khu vực FDI xuất khẩu gần 135 tỉ USD trong chín tháng đầu năm, đạt gần 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước - góp phần giúp Việt Nam xuất siêu gần 6 tỉ USD trong ba quý đầu năm.

Hai dự án tỉ đô đăng ký đầu tư FDI trong chín tháng đầu năm là dự án thành phố thông minh tại Đông Anh - Hà Nội (vốn của Nhật - 4,14 tỉ USD) và nhà máy sản xuất Polypropylene (một loại hạt nhựa nguyên liệu sản xuất nhựa chất lượng cao) và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng tại Bà Rịa - Vũng Tàu (vốn của Hàn Quốc - 1,2 tỉ USD).

Đan Nguyên/div>

thunguyen