Thực tiễn quản lý nhà nước về thuế tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Gia đình có công với Cách mạng lao đao vì bị tính tiền sử dụng đất sai!

Văn Đức - Minh Tuấn

14/04/2023 07:02

Thuộc đối tượng ưu tiên đặc biệt theo quy định của điều 1 Nghị định 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 của Chính phủ (sau đây gọi tắt Nghị định 79/2019) nhưng bị vận dụng sang Điều 2, đối tượng bình thường nên khốn đốn.

Bị giải tỏa và bị tính sai tiền sử dụng đất

Bà Tăng Thị Long ở Tổ 4, ấp Bắc 3, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là giáo viên tiểu học, đã về hưu. Trước đây, chồng bà là ông Nguyễn Đình Sơn lúc còn sống, là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Campuchia.

Phòng Chính trị, Sư đoàn 320, Quân khu 7 xác nhận: “Đồng chí Nguyễn Đình Sơn là quân nhân công tác tại Sư đoàn với thời gian 11 năm 10 tháng; trong thời gian từ tháng 10/1983 đến tháng 9/1989, bằng 6 năm đồng chí Nguyễn Đình Sơn trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Chức vụ chiến đấu là Chiến sĩ sửa chữa và trợ lý xe máy. Đơn vị chiến đấu: Trung đoàn 201, Sư đoàn 320, mặt trận 479, Quân khu 7. Địa danh chiến đấu: Anglongveng, Xiêm Riệp, Campuchia”.

Năm 2008, ông Sơn đột ngột qua đời.

Năm 2018, gia đình bà Long bị giải tỏa trắng hơn 1.500 m2 gồm nhà và đất (nhà nước làm đường). Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ của gia đình bà Long có hơn 200 m2 đất thổ cư nên mới được “đổi” thành hai lô đất tái định cư, mỗi lô gần 97 m2. Nhưng hai lô đất thổ cư “đổi ngang” ấy, bà Long lại phải nộp thêm tiền sử dụng đất cho mỗi lô gần 290 triệu đồng. Còn lại, hơn 1.300 m2 đất nông nghiệp xen cài đất ở, thuộc vị trí 1 đường giao thông lớn mà chỉ được áp giá bồi thường 59.000 đồng/m2 (năm mươi chín ngàn đồng cho mỗi m2).

 Năm 2018 bị giải toả ấy, bà Long chỉ còn một suất lương giáo viên tiểu học, nuôi ba đứa con ăn học nên buộc bà phải nợ tiền sử dụng đất (đối tượng được nợ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 45/2014 của Chính phủ là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên Giấy chứng nhận sau khi có đơn đề nghị…”).

Đến ngày 26/10/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2019, có những quy định thay đổi đổi chính sách cho người dân nợ tiền sử dụng đất. Cụ thể là thu hẹp các đối tượng, cho nợ với giá cũ chỉ đến hết ngày 28/2/2021.

ba-tang-thi-long-1-1681390486.jpg
Bà Tăng Thị Long trưng ra Huân chương chiến công của chồng

Nhờ thuộc đối tượng tạm gọi là “đặc biệt” (gia đình có công với cách mạng) theo khoản 1 điều 1 Nghị định 79/2019 nên bà Long mới được tiếp tục cho nợ tiền sử dụng đất đến 5 năm, tính đến hết ngày 8/2/2023 (theo thời gian ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Nhưng oái oăm là mới sang ngày hôm sau (tức ngày 9/2/2023), bà Long đến cơ quan thuế yêu cầu trả nợ tiền sử dụng đất thì bị tính tăng đến gần một tỷ đồng tiền sử dụng đất cho mỗi lô đất tái định cư.

Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết rằng chính cơ quan chuyên trách về thuế lại áp dụng pháp luật chuyên ngành của mình sai nghiêm trọng, rất khó chấp nhận.

Cụ thể, ngày 13/02/2023, Chi cục thuế Khu vực Bà Rịa – Long Điền - Đất Đỏ có văn bản số 341/CCTKV-TTTBTK gửi Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Bà Rịa, về việc cung cấp thông tin địa chính để thanh toán nợ tiền sử dụng đất của bà Tăng Thị Long. Văn bản này viện dẫn Khoản 1 Điều 2 Nghị định 79/2019 quy định về thu tiền sử dụng đất: “Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 01/03/2016 đến hiện nay đã hết thời gian ghi nợ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (ngày 28/02/2021). Kể từ ngày 01/03/2021 trở về sau hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn ghi nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ”. 

Theo Luật sư Trần Hữu Thắm (Đoàn luật sư TPHCM) thì khoản 1 Điều 2 Nghị định 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 là điều khoản “xử lý chuyển tiếp”, chỉ áp dụng cho các đối tượng người dân bình thường nợ thuế theo Nghị định 45/2014 trước đây. Còn trường hợp của bà Tăng Thị Long là “trường hợp đặc biệt”, áp dụng theo đối tượng quy định tại Khoản 1; cách tính thì áp dụng Khoản 3 của Điều 1 Nghị định 79/2019.

 Qua văn bản nêu trên cho thấy ngay từ đầu, cơ quan thuế đã vận dụng sai luật, sai đối tượng.

Áp dụng điều khoản nào mới đúng?

Luật sư Trần Hữu Thắm phân tích: Trước đây, Điều 16 Nghị định 45/2014 cho khá nhiều đối tượng được nợ tiền sử dụng đất. Nhưng sang Nghị định 79/2019 thì chỉ còn giới hạn một số đối tượng đặc biệt tiếp tục được nợ thôi, còn các đối tượng khác không còn được nợ thì áp dụng theo quy định của Điều 2 Nghị định 79/2019 (quy định về “xử lý chuyển tiếp”).

“Đối tượng đặc biệt” được quy định tại khoản 1 điều 1 Nghị định 79/2019 cụ thể như sau:

“1. Hộ gia đình, cá nhân (gồm: người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Việc xác định người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật về người có công.

Việc xác định hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, đối chiếu với trường hợp của gia đình bà Tăng Thị Long thì bà thuộc trường hợp “gia đình có công với cách mạng” vì có chồng là ông Nguyễn Đình Sơn là chiến sĩ “làm nghĩa vụ quốc tế” tại chiến trường Campuchia (theo quy định tại Điểm l, Khoản 1, Điều 3 của Pháp lệnh “ưu đãi người có công với cách mạng” số 02/2020/UBTVQH ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội).

Thực ra, cơ quan thuế biết rất rõ việc gia đình bà Tăng Thị Long thuộc diện “đặc biệt” (“gia đình có công với cách mạng”) nên ngay từ đầu mới cho nợ thuế đến hết ngày 8/2/2023, chứ nếu không thì chỉ đến ngày 1/3/2021 theo Điều 2 Nghị định 79/2019 “xử lý chuyển tiếp” mà cơ quan thuế đã nêu (theo điểm a khoản 1 điều 2 thì “Kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2021 trở về sau thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ”).

Rõ ràng, cơ quan thuế biết rõ hồ sơ nợ tiền sử dụng đất của bà Long thuộc đối tượng “đặc biệt” nhưng không rõ vô tình hay hữu ý vận dụng nhầm lẫn!?

Vì đối tượng đặc biệt, việc áp dụng đúng trường hợp của bà Tăng Thị Long là theo khoản 3, điều 1 của Nghị định số 79/2019/NĐ-CP. Cụ thể:

3. Hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này (sau đây gọi là hộ gia đình, cá nhân) được trả nợ dần trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn 05 năm này.

Trường hợp sau 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà hộ gia đình, cá nhân chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ và tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế từ thời điểm hết thời hạn 05 năm được ghi nợ tới thời điểm trả nợ.”

Một thắc mắc khác mà bà Tăng Thị Long đưa ra cũng cần đáng để cơ quan thuế xem xét lại quyền lợi cho gia đình bà ấy. Đó là bà Long cho rằng việc bà có 200 m2 đất thổ cư ở vị trí 1 đường lớn mà khi “đổi ngang” 2 lô chưa đủ 200 m2 ở vị trí không đẹp bằng, mà bà lại phải đóng thêm gần 290 triệu đồng cho mỗi lô cũng sai và bất công; chưa nói hơn 1.500 m2 đất vườn mà chỉ tính bồi thường 59.000 đồng mỗi mét vuông thì còn bất thường hơn.Theo đó, đất của bà Long phải được tính theo quy định đất ở xen cài đất nông nghiệp, vị trí 1 nên phải được 70% đất ở nếu bị giải toả.

Nhưng điều quan trọng hơn, khi gia đình bà Long thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 điều 1 Nghị định 79/2019 thì cách tính tiền sử dụng đất phải vận dụng theo khoản 2 của điều này. Cụ thể:

Mức tiền sử dụng đất ghi nợ đối với hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này được xác định bằng chênh lệch giữa tiền sử dụng đất phải nộp khi hộ gia đình, cá nhân được giao đất tái định cư trừ (-) giá trị được bồi thường về đất, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Như vậy, theo bà Long thì do cơ quan thuế vận dụng luật sai nên gia đình bà mới phải đóng số tiền gần 290 triệu đồng cho mỗi lô đất tái định cư, chứ áp dụng đúng thì gia đình không phải đóng số tiền cao như vậy.

Bà Long nói trong nước mắt:  “Chồng  tôi đi chiến trường Campuchia ác liệt cả chục năm, tôi làm giáo viên tiểu học, tằn tiện để làm được căn nhà khang trang thì bị giải toả trắng, bồi thường giá rẻ mạt; đất bị lấy hết, chỉ còn một xẹp mẹ con làm cái chòi, được tái định cư hai lô thì phải nợ tiền sử dụng đất cả 5 năm nay không trả được. Nay cơ quan thuế thông báo phải đóng thêm mỗi lô gần một tỷ đồng nên tôi gần như ngã quị. Từ khi chồng tôi đột ngột qua đời, tôi biết họ sai với gia đình tôi nhiều từ việc giải toả, bồi thường, tái định cư và tính tiền sử dụng đất... Nhưng không biết làm sao, không ai chịu trách nhiệm…”.

Phóng viên Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý đã đến làm việc với Chi cục Thuế khu vực Bà Rịa – Long Điền- Đất Đỏ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng cơ quan này cho biết đang “nghiên cứu, xác minh để giải quyết, chưa trả lời cụ thể được”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc hy hữu này. 

Văn Đức - Minh Tuấn