Thúc đẩy dòng vốn xanh tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu Net-Zero

Mai Phương

10/09/2024 10:24

Nhằm mục tiêu cung cấp thông tin chính sách, cũng như các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước cho nỗ lực thúc đẩy dòng vốn xanh, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam, ngày 10/9 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Đỗ Thị Phương Lan - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, về tầm nhìn, Việt Nam đã xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. 

ba-do-thi-phuong-lan-pld-1725938707.jpg
Bà Đỗ Thị Phương Lan - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo.

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, bà Lan nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), để thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. 

Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,722 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD, chiếm 64%. Đặc biệt, Việt Nam cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia. Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững. 

Bà Lan cũng cho hay, nguồn lực tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã được xác định trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022) bao gồm: Nguồn lực từ ngân sách nhà nước (như: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế); nguồn lực từ khu vực tư nhân (như: tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon…); nguồn lực từ hỗ trợ quốc tế (ODA, vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh); và nguồn cộng đồng xã hội khác (vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu).

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp khắc phục các hạn chế trong việc thúc đẩy dòng vốn xanh tại Việt Nam. 

thuc-day-dong-von-xanh-pld-1725938705.jpg
Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”.

Ở góc độ chính sách tổng thể, ông Lê Hoàng Lân - Đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, chính sách, định hướng phát triển tài chính xanh cũng như về tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá. 

Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn trong quá trình cập nhật thông tin phân tích thị trường, khó đưa ra lựa chọn dự án và địa điểm phù hợp, hạn chế trong việc hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước nhà nước và các doanh nghiệp khác để phối hợp triển khai các dự án trọng điểm, vì vậy, làm chậm quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt đối với các công nghệ và các lĩnh vực ưu tiên, giảm động lực của doanh nghiệp và những cá nhân muốn tham gia vào các sáng kiến xanh, dẫn đến chậm trễ trong việc hình thành một hệ sinh thái kinh tế xanh toàn diện.

Bên cạnh đó, doanh nghiêp còn khá khó khăn về vốn để có nguồn lực mở rộng sản xuất, từng bước trở thành doanh nghiệp xanh, hằng năm, mỗi doanh nghiệp yêu cầu quy mô vốn đầu tư cho máy móc, công nghệ, nhưng nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay từ quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn rất khiêm tốn với nhu cầu của doanh nghiệp.

“Để thúc đẩy nền tài chính xanh ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu Net-Zero, Nhà nước cần có các chiến lược, chính sách và giải pháp cần thiết bảo đảm để thu hút các nguồn vốn từ nền kinh tế, từ hệ thống ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sớm xây dựng hệ thống Danh mục xanh, trong đó, cần được xác lập chi tiết, có các chỉ tiêu đánh giá cụ thể và rõ ràng, là cơ sở cho các doanh nghiệp, khối ngân hàng và các quỹ tài chính trong và ngoài nước tham gia vào quá trình tăng trưởng tài chính xanh” - Đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ đề xuất.

ong-le-hoang-lan-pld-1725938708.jpg
Ông Lê Hoàng Lân - Đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính nhận định, tài chính xanh đóng vai trò then chốt trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng xanh và Việt Nam đã có những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tài chính xanh. Trong bối cảnh hiện tại, cần xây dựng và triển khai toàn diện các định hướng và giải pháp tài chính xanh để đổi mới mô hình tài chính xanh. Đặc biệt, cần tập trung vào việc nâng cao khả năng huy động và sử dụng các công cụ tài chính xanh, đồng thời đảm bảo đầu tư hiệu quả.

Cụ thể, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường nhằm bao phủ được các nguồn gây tổn hại cho môi trường; tăng chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường vì mục tiêu tài chính xanh, rà soát đầu tư công làm nền tảng, cơ sở cho huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư tài chính xanh; hoàn thiện các quy định về mua sắm công xanh, chẳng hạn hoàn thiện các quy định ưu tiên mua sắm sản phẩm dán nhãn sinh thái, nhãn năng lượng trong Luật Đấu thầu, Luật đầu tư công hoặc ban hành quy chế mua sắm công xanh đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ các cấu phần của thị trường chứng khoán xanh phát triển; hỗ trợ thị trường bảo hiểm xanh phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả, và đạt được mục tiêu phát triển bảo hiểm xanh như đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030; hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển thị trường tín chỉ carbon…

Mai Phương