Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: “Sau khi nới room tín dụng, thị trường BĐS sẽ “đỡ hơn”

Quang Khải

07/12/2022 09:22

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ, sau việc nới room tín dụng của NHNN, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ “đỡ hơn”.  Tuy nhiên, ông Sinh cho rằng, thị trường BĐS còn nhiều khó khăn khác ngoài vốn cần được tháo gỡ cùng lúc.

Trước đó, trước tình hình thị trường BĐS có nhiều biến động thời gian qua (nguồn cung có chiều hướng giảm; giao dịch bất động sản trầm lắng, tính thanh khoản giảm; một số doanh nghiệp bất động sản phải dừng hoạt động liên quan đến đầu tư dự án nhà ở, bất động sản), Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản.

180920220358-180920221108-thu-truong-nguyen-van-sinh-1670379681.jpeg
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Thứ trưởng còn cho biết thêm, ngay sau khi thành lập, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BĐS, nắm rõ các vấn đề vướng mắc về pháp luật đất đai; về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, khu đô thị; về nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, nguồn vay tín dụng; về triển khai giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư phát triển nhà ở tại các địa phương.

Theo ông Sinh, qua nắm bắt tình hình, Tổ công tác đã trao đổi trực tiếp, hướng dẫn về mặt thực thi pháp luật; phối hợp với các địa phương phân loại khó khăn vướng mắc, xác định thẩm quyền giải quyết từng nhóm vấn đề.

Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương, Tổ công tác rà soát, đề nghị địa phương khẩn trương triển khai phê duyệt dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Dự báo về thị trường BĐS năm 2023, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam bày tỏ, thực tế hiện nay, pháp lý vẫn là vấn đề vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp khi triển khai các dự án bất động sản.

Những vướng mắc về pháp lý khi triển khai các dự án bất động sản chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thiếu thống nhất. Tuy nhiên, để gỡ điểm vướng này cần phải chờ đợi việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 được thông qua, đồng thời một số luật liên quan cũng được bổ sung, hoàn thiện.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khả năng thị trường diễn biến theo hướng xấu nhiều hơn tốt. Nếu có những chính sách đặc thù hỗ trợ, thị trường bất động sản mới có diễn biến tích cực hơn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng (room) thêm khoảng 1,5%-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị tiếp cận thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. 

Mặc dù không công bố ngân hàng thương mại (NHTM) nào được nới room tín dụng, nhưng NHNN cho biết việc điều chỉnh này được thực hiện theo nguyên tắc TCTD nào có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Đánh giá động thái nới room của NHNN, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, với việc thêm 1,5%-2% tăng trưởng tín dụng, về cơ bản vẫn nằm trong tổng lượng trần tín dụng 14% theo mục tiêu của năm nay, chứ không làm tăng thêm lượng tiền. Lý do khiến NHNN đưa ra quyết định nới room tín dụng vào thời điểm này xuất phát từ các yếu tố như chỉ số về lạm phát, tỷ giá… đã giảm, đồng USD trong tháng vừa qua đã mất giá khoảng 3,5%; chỉ số lạm phát đã được kiểm soát tương đối tốt (dự báo năm nay chỉ khoảng 3,3%); áp lực về tăng tỷ giá của Việt Nam đã giảm nhiệt so với giai đoạn trước đó.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, tức là người dân đã bắt đầu quay lại hệ thống ngân hàng để gửi tiền nhiều hơn so với giai đoạn trước. Thêm vào đó, nhu cầu về vốn của thị trường, gồm cả người dân (tiêu dùng) và doanh nghiệp (nhà sản xuất), vào dịp cuối năm rất lớn; do đó việc cấp thêm tín dụng sẽ đáp ứng được về thanh khoản, về vốn để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều hồ sơ tín dụng vẫn đang nằm chờ, lượng khách hàng cần vốn rất lớn… Vậy, câu hỏi đặt ra là sau khi nới room tín dụng thì dòng vốn sẽ đổ vào lĩnh vực ưu tiên nào? “Số tiền này nhiều khả năng sẽ đi vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, bởi vì không có TCTD nào muốn dùng số tiền đó để cho vay hoạt động mang tính chất đầu cơ do những thách thức và rủi ro trong năm tới tương đối cao”, TS Cấn Văn Lực chia sẻ. 

 

Quang Khải