Nhu cầu nuôi chim cảnh tại Việt Nam đã và đang đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài chim biết hót trong tự nhiên. Đứng trước thực trạng đó, Tổ chức TRAFFIC đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong một dự án nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ chim hoang dã trong cộng đồng Phật tử.
Bà Sarah Ferguson, Giám đốc Văn phòng Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho rằng: “Giờ đây, chúng ta nhìn thấy nhiều chim trong lồng hơn là trên cây, chúng ta thậm chí nghe thấy chim hót nhiều hơn tại các cuộc thi thay vì nghe thấy tiếng hót của chúng trong các khu rừng. Nhu cầu nuôi chim làm cảnh hoặc đem đi thi hót tại Việt Nam đang diễn ra ở mức đáng báo động.”
Chỉ trong ba ngày khảo sát, TRAFFIC đã ghi nhận tới 8.047 cá thể thuộc 115 loài chim khác nhau được rao bán tại Hà Nội và TPHCM và 90% trong số đó không nằm trong nhóm được pháp luật tại Việt Nam bảo vệ. Các loài được rao bán phổ biến là Chào mào (Pycnonotus jocosus) – thường thấy trong các cuộc thi hót có quy mô và giải thưởng lớn, Họa mi (Garrulax canorus) – thường thấy trong các cuộc thi nhỏ hơn, chủ yếu giữa các cá nhân. Cả hai loài này đều đã được liệt kê trong Sách đỏ IUCN, đáng chú ý là số lượng quần thể Chào mào trong tự nhiên đang suy giảm nghiêm trọng.
Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, trong đó Phật giáo được xem là tôn giáo phổ biến, các bài giảng của những nhà sư thường thu hút sự quan tâm của phần đông Phật tử. Tiếp nối thành công của Sáng kiến truyền thông thay đổi hành vi tiêu dùng sừng tê giác trước đó, bà Sarah Ferguson chia sẻ “đức Hiếu Sinh của Phật giáo dạy con người thương yêu, bình đẳng với mọi sự sống và điều này tương đồng với triết lý hoạt động của Tổ chức TRAFFIC hướng tới mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và sự sống của mọi loài hoang dã.”
Với sự hỗ trợ từ Thượng tọa Thích Thanh Huân, Trụ trì chùa Pháp Vân, thông điệp bảo tồn đã lan tỏa tới cộng đồng, khuyến khích mọi người không nuôi nhốt chim làm cảnh. Thượng tọa Thích Thanh Huân kêu gọi các tăng ni, phật tử thả tự do cho chim: “Mặc dù chúng ta không hiểu ngôn ngữ của chúng, nhưng lòng mong cầu tự do và mong muốn được yên ổn sống là điều mà mọi sự sống chắc chắn đều hướng đến. Những chiếc lồng dù có to đẹp và đắt tiền đến thế nào, cũng không thể so sánh được với những cánh rừng đại ngàn với cây xanh và không gian tự do vốn là môi trường sống tự nhiên của loài chim.”
Bài viết của Thượng toạ chia sẻ quan điểm của mình về việc nuôi chim làm cảnh cũng đã được đăng tải trên website chính thức của nhiều chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các câu lạc bộ chim cảnh trong cả nước.
Báo cáo ‘Calling for compassion: countering Vietnam’s songbird demand with Buddhist philosophy’ (tạm dịch: Nuôi dưỡng lòng từ bi cùng nhà Phật: giảm nhu cầu đối với loài chim biết hót tại Việt Nam) đã chỉ ra rằng phần lớn mọi người nuôi chim làm cảnh, một số khác (khoảng 30%) nuôi chim để tham gia các cuộc thi hoặc để trao đổi, mua bán.
Hình thức, quy mô và giải thưởng của các cuộc thi cũng khá đa dạng; một cuộc thi lớn thường thu hút tới khoảng 600 con chim tham gia với giải thưởng lên đến vài chục triệu đồng cùng các giải thưởng hiện vật khác như xe máy, TV, xe đạp, lồng chim, cúp và bằng chứng nhận.
Người mang chim đi tham gia dự thi thường chọn loài có nguồn gốc tự nhiên vì họ cho rằng những loài này có tiếng hót hay hơn những loài được nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt. Theo Hiệp hội Chim cảnh Việt Nam, “số lượng những cá thể chim trưởng thành bị săn bắt có thể còn lớn hơn nhiều, do các loài như Chào mào và Họa mi không thể sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.”
Sau khi tham gia và lắng nghe các bài giảng của Thượng tọa Thích Thanh Huân, 60% những người chơi chim chia sẻ họ không có nhu cầu mua thêm chim về làm cảnh nữa. Họ cho rằng việc săn bắt, nuôi nhốt chim có thể mang lại quả báo không tốt, rất nhiều người khẳng định họ cũng sẽ khuyên nhủ bạn bè mình từ bỏ thú nuôi chim cảnh bởi chỉ có hành thiện mới thực sự mang lại may mắn và phước lộc cho họ.
Mặc dù biết là vậy nhưng hoạt động săn bắt, mua bán và nuôi chim cảnh lại tạo sinh kế và đã ăn sâu vào đời sống văn hóa của người Việt Nam, điều đó đồng nghĩa với việc các cuộc thi cũng ngày càng phổ biến hơn.
Các giáo lý trong đạo Phật đã củng cố và giúp lan tỏa thông điệp thay đổi hành vi của dự án. Tổ chức TRAFFIC mong muốn sẽ có thể tổ chức những hoạt động tương tác như quan sát chim trong chính môi trường sống tự nhiên của chúng, tại các rừng quốc gia và các khu vực được bảo vệ, thay vì mua chim về nhốt lồng.
Trong thời gian tới, Tổ chức TRAFFIC sẽ tăng cường phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức Phật giáo lớn nhất tại Việt Nam, trong việc lan tỏa thông điệp truyền thông thay đổi hành vi, hướng tới ngăn chặn hoạt động buôn bán chim cảnh không bền vững, góp phần bảo tồn tiếng chim hót trong tự nhiên.