• 0986 877 231
  • toasoan@nhaquanly.vn
  • Danh sách tạp chí
  • Tìm kiếm
  • Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều
Nguyễn Thu Trang # Wineco
  • VPBank giải bài toán nguồn vốn, mở cơ hội bứt phá cho hộ kinh doanh
  • VPBiz đồng hành cùng doanh nghiệp quản lý chi tiêu thông minh, đúng luật
  • HOREA kiến nghị Chính phủ gỡ vướng pháp lý cho dự án BT tại Khánh Hoà của Sunshine Group
  • Giới thiệu Hành trình và Lễ trao Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2025
  • Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khởi công dự án 1.400 tỷ đồng tại Hải Phòng
  • “Người Khai Ngọc” OBC Holdings: Từ dự án A&K Tower đến giấc mơ siêu đô thị nhân văn
  • Khoa học quản lý
  • Thực tiễn quản lý
  • Nhân vật
  • Tài chính
  • Bất động sản
  • Doanh nghiệp
  • Khởi nghiệp
  • Công nghệ
  • Sức khỏe
    Video ẢNh Infographic eMagazine
Toni Morrison, nữ nhà văn Mỹ Phi đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương năm 1993, vừa mất hôm mùng 5.8, là một trong những nữ nhà văn vĩ đại và quan trọng nhất của nước Mỹ thế kỷ XX.

 

Toni Morrison (1931-2019) - Ảnh: Shutterstock
Toni Morrison (1931-2019) - Ảnh: Shutterstock

 

“Lặng lẽ như bị giấu đi, những cây cúc vạn thọ đã không mọc lên vào năm 1941. Hồi đó chúng tôi đã nghĩ rằng bởi vì Pecola đã có con với bố nó mà những cây hoa cúc đã không mọc. Chỉ cần kiểm tra một chút và tâm trạng ít sầu muộn hơn, chúng tôi lẽ ra đã biết rằng những cây hoa của chúng tôi không phải là những cây hoa duy nhất không lên mầm, không ai làm được điều đó. Năm đó ngay cả những khu vườn trước hồ cũng không có cây hoa cúc nào….”. (TTV tạm dịch)

Đây là đoạn mở đầu chương đầu tiên của của cuốn tiểu thuyết “The Bluest Eye” (Con mắt xanh nhất), cuốn tiểu thuyết đầu tay của Toni Morrison, ngay khi ra đời đã báo hiệu sự xuất hiện nhà văn vĩ đại tiếp theo của nước Mỹ, người tiếp nối Faulkner hay John Steinbeck trong vai trò kể lại những bi kịch phổ quát và dữ đội của nước Mỹ bằng một giọng văn tuyệt đẹp và giàu chất thơ và lòng trắc ẩn.

"Ở một nơi người ta chỉ yêu những đứa trẻ tóc vàng, mắt xanh, ai sẽ khóc thương cho những giấc mơ của một cô bé da đen tội nghiệp?” (The Blues Eye - TTV tạm dịch)

Pecola, cô bé sinh ra trong một gia đình da đen, có mẹ làm giúp việc cho nhà chủ và bố làm nghề tự do và nát rượu. Em luôn không nhận được sự yêu thương từ mẹ và tin rằng, đó là vì mình không có con mắt màu xanh như cô con gái nhà chủ, luôn được Pauline - mẹ Pecola - dồn hết sự yêu thương chăm chút. Em ước mình có đôi mắt màu xanh như vậy.

Đỉnh điểm của bi kịch là cô bé Pecola bị cha đẻ cưỡng hiếp và cuối cùng phải sống trong nhà thương điên. Nhưng ngay cả bi kịch này cũng đầy phức tạp, là kết quả cuộc sống của người cha bị áp bức, bi kịch của những người da đen, trong nội tâm tủi nhục và bế tắc của mình không cách nào biểu lộ được lòng yêu thương.

Năm 1988, 48 nhà văn da đen - trong đó có Maya Angelou, Alice Walker và Ernest J. Gaines - đã đăng một bức thư ngỏ trên tờ Time để phản đối việc Toni Morrison chưa nhận được Giải thưởng Sách quốc gia hay Giải thưởng Pulitzer. Năm đó, Pulitzer đã được trao cho Beloved. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng và vị trí quan trọng của Toni Morrison trong lòng giới văn chương người Mỹ Phi. Toni Morrison là người lần đầu tiên đã cho những người Mỹ Phi một danh tính thay vì chỉ là những gã tội phạm hay nạn nhân da đen vô danh trên phim ảnh, đặt họ vào trung tâm của bi kịch tự thân thay vì chỉ được nhận biết và thương xót bởi màu da.

Với Morrison thì người Mỹ gốc Phi và đặc biệt là phụ nữ, là trung tâm trong nhưng tác phẩm của bà, vào những lúc họ bị đặt ở vị trí thứ yếu trong văn học và cuộc sống. Bằng một thứ ngôn ngữ được ca ngợi là đầy trữ tình, nhưng chạm đến những bi kịch trực diện và dữ dội,  Toni Morrison được ghi nhận là nhà văn đã truyền tải mạnh mẽ hơn bất kỳ tiểu thuyết gia nào về bản chất của cuộc sống của những người da đen ở Mỹ, với quan điểm và cái nhìn vào hiện tại.

Cuốn sách tiếp theo của Morrison là Sula (1973), nói về hai người phụ nữ từ một cộng đồng da đen, hay những người dưới đáy với tình bạn kéo dài hàng thập kỷ. Morrison cho biết với tác phẩm này, bà cố gắng nắm bắt tình chị em da đen. Đó là thứ" rất quan trọng", bà cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Poetic and Writting. "Chúng tôi (những người phụ nữ da đen - NQL) đã cứu mạng nhau qua nhiều thế hệ".

Sau đó, Morrison mạo hiểm với trải nghiệm của những người đàn ông da đen trong Song of Solomon (Bài hát của Solomon, 1977), một thiên anh hùng ca gia đình tập trung vào Macon Dead, được biết đến với tên Milkman, người tìm kiếm danh tính của mình thông qua dòng dõi gia đình. Được hoan nghênh rộng rãi, với cốt truyện sâu rộng, cuốn tiểu thuyết này được so sánh với "Trăm năm cô đơn" của Gabriel García Márquez.

Sau Song of Solomon đến Tar Baby (1981), và sau đó là Beloved. Cuốn tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ câu chuyện về một nữ nô lệ bỏ trốn, và khi bị bắt đã tự tay giết chết cô con gái ba tuổi để con mình không phải lớn lên trong kiếp nô lệ.

Đây là một tác phẩm gây tranh cãi. Nhà phê bình Stanley Crouch đã gọi tác phẩm này là "tiểu thuyết thiêu hủy mặt đen". Ông mô tả Morrison "tài năng vô cùng" nhưng đồng thời cũng nhận xét sẽ tốt hơn nếu bà viết về "một chủ đề mới, thế giới bà sống, không phải thế giới của những nạn nhân da đen vô tận".

Tuy nhiên, bên cạnh những lời chỉ trích như vậy, Beloved vẫn được ca ngợi là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của thế kỷ, "bởi vì nó chiếm một vị trí ở Mỹ không thể tưởng tượng được".

Henry Louis Gates Jr., nhà nghiên cứu tại đại học Harvard cho rằng đây là một trong hai tác phẩm quan trọng giúp Toni Morrison giành giải Nobel. Cuốn còn lại là "Jazz" (1992), lấy bối cảnh ở Harlem vào những năm 1920, với giọng văn được mô tả là "kết hợp giữa Ellington, Faulkner và Maria Callas".

Các tiểu thuyết sau này của Morrison bao gồm Paradise (1997), lấy bối cảnh tại một thị trấn toàn màu đen ở miền Tây Hoa Kỳ; Love (2003) kể về những cuộc đời bị ảnh hưởng bởi một chủ khách sạn đã chết; A Mercy (2008) khám phá lại chế độ nô lệ thời kỳ đầu của nước Mỹ; Home (2012) là chân dung của một cựu chiến binh trở về từ chiến tranh Triều Tiên, và God help the Child (2015).

Mặc dù không bao giờ thừa nhận là mình chịu ảnh hưởng từ Faulkner, nhưng giới phê bình vẫn coi bà là người tiếp nối xứng đáng của tác giả "Âm thanh và Cuồng nộ", với sự mổ xẻ sâu sắc vào những bi kịch phổ quát của những con người bình thường đại diện cho nước Mỹ. Như diễn từ của Faulkner từng nói: “Bi kịch của chúng ta hôm nay là bi kịch mang tính phổ quát, mà chúng ta đã phải gánh chịu nó lâu đến nỗi chúng ta quên mất nó”. Và tác phẩm của một nhà văn không cần dành khoảng trống cho điều gì khác ngoài những thứ như tình yêu, danh dự, lòng xót thương, kiêu hãnh, lòng trắc ẩn và đức hi sinh.

“Tôi đã làm những công việc của mình với mục đích muốn độc giả hiểu rằng, chủng tộc của họ không thành vấn đề”, Toni Morrison cho biết khi trả lời tạp chí Time - “Chủng tộc là thông tin ít tin cậy nhất mà bạn có thể có”.

Cũng cần phải nói thêm là giai đoạn trong khoảng những năm 1990, có lẽ độc giả thế giới đã có may mắn với một ủy ban Nobel Văn chương chú trọng đến vẻ đẹp của ngôn ngữ, chất thơ và văn chương thấm đẫm. Đây là giai đoạn mà độc giả thế giới, bên cạnh Toni Morrison, cũng đã thông qua giải Nobel được giới thiệu đến những tác giả như Octavi Paz với ngôn ngữ thi ca tuyệt đẹp (1990), nữ nhà văn Nam Phi Nadine Gordimer (1991), Derek Walcott (Saint Lucia 1992), Kenzaburo Oe ( Nhật Bản, 1994),  nhà thơ Irelan Seamus Heaney (1995), nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska  (1996), kịch tác gia Ý Dario Fo (1997), nhà văn Bồ Đào Nha José Saramago ( 1998),  và nhà văn Đức Gunter Grass   (1999) nổi tiếng với tác phẩm Cái trống thiếc đã được dịch giả Dương Tường dịch sang tiếng Việt.

Trong diễn từ đạt giải Nobel năm 1993, Toni Morrison nhấn mạnh, ngôn ngữ là một nguồn chính trị văn hóa sống. “Ngôn ngữ mình nó bảo vệ chúng ta khỏi thế giới của những thứ không danh tính. Ngôn ngữ mình nó đã là thiền”.

“Chúng tôi không có con chim trong đôi tay mình, dù sống hay chết. Chúng tôi chỉ có bạn và câu hỏi quan trọng của mình… Bạn có nhớ lúc còn trẻ khi ngôn ngữ là ma thuật có nghĩa ra sao? Khi nào cái vô hình là những gì trí tưởng tượng cố gắng nhìn thấy?”

Toni Morrison (18.2.1931 - 5.8.2019)

Tiểu thuyết gia Mỹ

 

1975: Giải thưởng sách Ohioana Book Award cho tác phẩm Sula

1977: Giải thưởng của hội phê bình sách quốc giaNational Book Critics Circle Award cho Song of Solomon

1977: Giải thưởng của viện Hàn lâm Nghệ thuật Mỹ.

1988: Beloved giành một loạt giải thưởng cao quý: Giải thường American Book Award, Giải Pulitzer cho tiểu thuyết. Các giải khác bao gồm Anisfield-Wolf Book Award, Frederic G. Melcher Book Award, Ohioana Career Medal.

1989: Tiến sĩ danh dự đại học Harvard University.

1993: Được trao giải Nobel văn chương.

Các tiểu thuyết đã xuất bản:

 

  • The Bluest Eye. (Con mắt xanh nhất) 1970
  • Sula. 1973
  • Song of Solomon. (Khúc ca Solomon) 1977
  • Tar Baby. 1981
  • Beloved. (Thương) 1987
  • Jazz. 1992
  • Paradise. (Thiên đường) 1997
  • Love. (Yêu) 2003
  • A Mercy. (Bao dung) 2008
  • Home. (Nhà) 2012
  • God Help the Child. (Chúa giúp trẻ em) 2015
Ngoài ra bà còn viết một số tác phẩm cho trẻ em, kịch, và phê bình tiểu luận, trong đó quan trọng nhất là "Playing in the Dark", tập tiểu luận nói về cách tiếp cận với thực tại và quá khứ của người Mỹ Phi trong văn chương.

Hoa Linh Lan

  • Khoa học quản lý
  • Chuyện Quản lý
  • Nhân vật
  • Tài chính
  • Bất động sản
  • Doanh nghiệp
  • Công nghệ
  • Sức khỏe

Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý - ISSN 1859- 0772

Giấy phép hoạt động báo điện tử số 324/GP-BTTTT  của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/07/2017

Cơ quan chủ quản: Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tổng biên tập: ThS Nguyễn Đăng Bình

Trụ sở tòa soạn: 27 đường 23, Phường Tân Quy, Quận 7, TP.HCM

Hotline: 0986 877 231 - 0905454667

Email: toasoan@nhaquanly.vn

THÔNG TIN TÒA SOẠN - ĐÓNG GÓP Ý KIẾN - LIÊN HỆ QUẢNG CÁO - BÁO GIÁ QUẢNG CÁO

Đăng ký / Đăng nhập
Quên mật khẩu?
Chưa có tài khoản? Đăng ký