Thoái vốn thành công tại Vocarimex, SCIC thu về gần 1,26 nghìn tỷ đồng

Trung Kiên

10/11/2021 21:45

Việc chào bán cổ phần của Tổng Công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) nằm trong lộ trình cơ cấu lại danh mục đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần theo chủ trương của Chính phủ.

scic-1636555094.jpg

Theo kế hoạch, trong năm 2021, SCIC có nhiệm vụ bán vốn Nhà nước tại 88 doanh nghiệp, nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 16.700 tỷ đồng

Ngày 8/11, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên bán đấu giá trọn lô hơn 44,2 triệu cổ phần của Tổng Công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam-CTCP (Vocarimex) do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu. Giá khởi điểm của lô cổ phần được tổ chức đấu giá quy định là 1.255.617.960.000 đồng/lô cổ phần. 

Kết thúc thời hạn đăng ký đấu giá, có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia, gồm 1 tổ chức và 1 cá nhân. Tại phiên đấu giá, giá đặt mua thấp nhất bằng với giá khởi điểm, giá đặt mua cao nhất là 1.255.618.960.000 đồng/lô cổ phần.

Kết quả, lô cổ phần đã được bán cho nhà đầu tư tổ chức với giá đấu thành công là 1.255.618.960.000 đồng (cao hơn 1 triệu đồng so với giá khởi điểm). Tính bình quân, giá trúng giá tương đương 28.400 đồng/cổ phần, trong khi đó, giá đóng cửa của cổ phiếu VOC phiên giao dịch ngày 8/11 là 37.300 đồng/cổ phần.

Việc chào bán cổ phần của Vocarimex nằm trong lộ trình cơ cấu lại danh mục đầu tư của SCIC tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần theo chủ trương của Chính phủ, qua đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.

Đây đã là lần thứ tư SCIC mang số cổ phần của mình tại Vocarimex ra rao bán, bởi 2 lần đầu không có ai hỏi mua; còn lần gần nhất dù đã có người mua, song do gặp trục trặc về việc thực hiện theo một vài quy định mới, tổ chức này không thể bán thành công.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán vốn tại các doanh nghiệp để nộp tiền về quỹ hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị SCIC triển khai thoái vốn năm 2021 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung thoái vốn tại Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI) và Công ty cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong (HNX:NTP).

Số tiền thu từ thoái vốn tại 3 doanh nghiệp trên nộp về Quỹ hỡ trợ sắp xết và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12 để nộp ngân sách Nhà nước.

SCIC đang nắm giữ 22,15 triệu cổ phiếu BVH, tương đương 3,26% vốn; 55,44 triệu cổ phiếu Bảo Minh, tương đương 50,7% vốn và 43,7 triệu cổ phiếu NTP, tương đương 37% vốn. Xét theo giá thị trường, SCIC có thể thu về gần 6.500 tỷ đồng từ thoái toàn bộ vốn 3 doanh nghiệp trên.

Trong đó, BVH và BMI tăng giá đều đặn trong 3 tháng qua thì NTP mới bật tăng gần đây. Tính đến nay, cổ phiếu BVH tăng 26%, BMI tăng 29,3%, NTP tăng nhẹ gần 10% so với vùng giá tháng 8.

Theo danh sách doanh nghiệp SCIC dự kiến triển khai bán vốn năm nay, Tập đoàn Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong cũng là 3 trong số 88 doanh nghiệp thuộc nhóm 1 - nhóm triển khai bán vốn ngay năm nay.

Ngoài 3 doanh nghiệp kể trên, danh sách nói trên của SCIC còn một loạt cái tên đáng chú ý như Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn – SABECO (SAB) với tỷ lệ sở hữu của SCIC là 36%, tương đương vốn Nhà nước sở hữu 2.309 tỷ đồng.

screen-shot-2021-10-25-at-75616-pm-1635167009.png 

Tương tự, SCIC cũng đang sở hữu 99,79% vốn Tổng công ty Sông Đà (SJG) với giá trị 4.486 tỷ đồng; 53,49% vốn tại Tập đoàn dệt may Việt Nam - Vinatex (VGT), tương đương 2.674 tỷ; 63,38% tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Seaprodex (SEA), giá trị 792 tỷ; 40,08% vốn tại Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 - FICO (FIC), giá trị 509 tỷ; và 5,93% vốn tại Công ty CP FPT (FPT), tương đương 460 tỷ đồng…

Ước tính, tổng vốn Nhà nước nắm giữ tại 88 doanh nghiệp thuộc diện triển khai bán vốn ngay năm 2021 vào khoảng 16.700 tỷ đồng.

Trung Kiên