Nhiều doanh nghiệp địa ốc thua lỗ triền miên
Trạng thái trầm lắng bao phủ toàn thị trường bất động sản cùng động lực hồi phục chưa rõ nét đã khiến cộng đồng doanh nghiệp địa ốc đồng loạt báo lỗ trong quý II/2023.
Theo báo cáo tài chính bán niên của Công ty CP Tonkin Land (Tonkin Land), 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ sau thuế 14 tỷ đồng dù doanh thu không được cập nhật chi tiết. Thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu giảm từ 254,3 tỷ đồng đầu năm 2023 xuống còn 240 tỷ đồng.
Vay nợ của Tonkin Land cũng tăng mạnh qua từng năm. Ở thời điểm cuối tháng 6/2023, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tăng từ 3,62 lần lên 4,30 lần tương ứng với tổng vay nợ hiện tại là 1.032 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022 và tăng gấp đôi so với con số vay nợ 518 tỷ đồng của năm 2021.
Trong đó, dư nợ trái phiếu của Tonkin Land hiện tại là 120 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu Tonkin Land phát hành thời điểm tháng 8/2022 ngày đáo hạn là 6/5/2025.
Tonkind Land hiện đang phát triển dự án nghỉ dưỡng phức hợp Le Meridien Đà Nẵng. Dự án tổng vốn đầu tư lên tới 2.400 tỷ đồng quy mô 79.764 m2, gồm 51 villa, 12 shopvilla và 16 hotel villa; 153 apartments và 320 hotels. Dự kiến bàn giao vào quý 4.2023.
Công ty TNHH Đầu tư Phú Thịnh Phát (công ty Phú Thịnh Phát) cũng không khá hơn, khi 6 tháng đầu năm 2023 doanh nghiệp này ghi nhận lỗ sau thuế hơn 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước số lỗ này là 42 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại đầu năm đang là 291 tỷ đồng cũng giảm xuống còn 241 tỷ đồng tại ngày 30/6/2023.
Nợ phải trả của công ty Phú Thịnh Phát đạt 1.926 tỷ đồng tính đến thời điểm cuối quý II/2023, cao gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó bao gồm 899 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.
Một doanh nghiệp địa ốc khác cũng báo lỗ trong 6 tháng vừa qua đó là Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản LC (công ty BĐS LC). Theo đó, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản này báo lỗ 98,8 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/6/2023 vốn chủ sở hữu của công ty BĐS LC là 290 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 16,82 lần, tương đương 4.877 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 3,45 lần, tương tương 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2022 công ty BĐS LC báo lỗ 145 tỷ đồng, năm 2021 doanh nghiệp bất động sản này báo lỗ 66,4 tỷ đồng.
Công ty BĐS LC có trụ sở tại tầng 11, tòa nhà Vicom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Trâm Anh (SN: 1986).
Một doanh nghiệp khác cũng do bà Nguyễn Thị Trâm Anh làm người đại diện vẫn bị thua lỗ gần 140 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 đó là Công ty TNHH Đầu tư BĐS Du lịch Hoàng Trường (công ty Hoàng Trường). Theo đó, doanh nghiệp này vừa công bố thông tinh định kỳ về tình hình tài chính với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm lỗ 139 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6/2023 vốn chủ sở hữu của công ty Hoàng Trường là 94 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 43,8 lần, tương đương 4.129 tỷ đồng. Dự nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 14,8 lần, tương đương gần 1.400 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu HTCH2024001 được công ty Hoàng Trường phát hành vào 21/12/2020 với kỳ hạn 48 tháng, đáo hạn vào 21/12/2024.
Tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp này đạt hơn 33,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 98,7 tỷ đồng.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 118,77 lần, tương đương nợ phải trả của doanh nghiệp này đạt mức 4.018 tỷ đồng. Song, con số này đã giảm 10% so với giá trị tại ngày 31/12/2021.
Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu ở mức 8,66 lần, qua đó cho thấy dư nợ trái phiếu là hơn 1.400 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2021.
Cần những chính sách mạnh hơn
Việc các doanh nghiệp bất động sản đua nhau báo lỗ trong quý II vừa qua là điều không quá ngạc nhiên bởi Chính phủ dù có nhiều động thái và chính sách hỗ trợ thị trường nhưng mức độ thẩm thấu nhìn chung còn hạn chế.
Theo nhiều chuyên gia, tác động thực tế của các chính sách đến thị trường hiện nay là chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu một quy trình chuẩn để các bên tuân thủ và làm theo. Những vấn đề liên quan đến pháp lý cũng được nâng lên đặt xuống nhiều lần nhưng chưa thể đi đến hướng giải quyết cuối cùng. Chính vì vậy mà thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển biến trong 6 tháng đầu năm.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM nhận định, sức khoẻ tài chính của các doanh nghiệp địa ốc rất đáng lo ngại, tình trạng này kéo dài thêm ngày nào thì doanh nghiệp đến gần bờ vực giải thể ngày đó.
để cải thiện tình trạng hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp, ông Bảo cho rằng cần phải đẩy nhanh việc thực thi các chính sách đã ban hành, giúp các chính sách nhanh chóng “thấm” vào thị trường.
“Nếu không có chính sách nào mạnh hơn thúc đẩy thị trường BĐS trở lại bình thường để doanh nghiệp có những vận hành hoạt động thì doanh nghiệp sẽ không thể chịu đựng được nữa và lâm vào cảnh vỡ nợ, phá sản rất là điều hiển nhiên”, ông Bảo quan ngại.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng, những vấn đề gỡ vướng pháp lý vẫn là cơ sở quan trọng để giải quyết khủng hoảng dòng tiền trên thị trường. Theo đó, nếu tháo gỡ được vấn đề trước mắt là pháp lý thì ngay lập tức hàng trăm dự án được giải toả và dòng tiền từ đó mà ra.
Đối với các doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không còn đủ năng lực triển khai dự án, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ, thực hiện việc “mua lại” các dự án của doanh nghiệp rồi thực hiện đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư mới thực hiện dự án.