FiinGroup là doanh nghiệp thứ hai trên thị trường tham gia mảng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (FiinRating), sau Sài Gòn Phát Thịnh Rating.
Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi năm 2019 vừa bổ sung quy định yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải có xếp hạng tín nhiệm, với kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường này phát triển trong tương lai.
Công ty chứng khoán Mirae Asset nhận định trong báo cáo về trái phiếu doanh nghiệp bốn tháng đầu năm 2020 cho rằng nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn, đặc biệt khi tăng trưởng tín dụng đang chậm lại.
“Với những thay đổi trong thời gian qua, chúng tôi tin rằng sẽ sớm có những sự thay đổi và thị trường cho các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều” - ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc FiinGroup nhận định.
Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang lấy ý kiến các Bộ, ngành dự thảo Nghị định hướng dẫn về xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng, dự kiến có hiệu lực từ năm 2021. Việc bổ sung quy định này sẽ tạo cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường, đồng thời các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm có khoảng thời gian để chuẩn bị cho việc thành lập, hoạt động.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện chuẩn mực kế toán, kiểm toán, lập báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế để thuận tiện hơn cho việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm. Chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS theo lộ trình từ năm 2022 đến năm 2025 sẽ được áp dụng tự nguyện tại các doanh nghiệp, và áp dụng bắt buộc từ sau 2025.
Bộ Tài chính đang làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu của thế giới để trao đổi về khả năng tham gia cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam, qua đó khuyến khích các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu Việt Nam.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, hiện nay các tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín vẫn tự động xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp/ngân hàng lớn tại Việt Nam. Đó là các thông tin tham chiếu đủ uy tín để nhà đầu tư quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp, khi chưa có quy định cụ thể từ Bộ tài chính về các tổ chức tín nhiệm được phép tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Phát hành trái phiếu là một trong hai hình thức doanh nghiệp vay vốn tín dụng, bên cạnh việc vay vốn trực tiếp từ ngân hàng/các tổ chức tín dụng.
Với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa niêm yết, nguồn vốn hoạt động chủ yếu vẫn từ các khoản vay ngân hàng. Trong khi đó, kênh chứng khoán nợ, là các khoản vay được tiêu chuẩn hoá thành sản phẩm trái phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, lại chưa phát triển, và chính các ngân hàng thương mại lại là nhà đầu tư trực tiếp, giữ vai trò chi phối.
Thống kê của Mirae Asset cho thấy trong bốn tháng đầu năm các doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 60.000 tỉ đồng trái phiếu, tăng 1% so với cùng kỳ 2019. Các doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu ngày càng đa dạng và mở rộng ngành nghề như gia dụng, thực phẩm, đồ uống, năng lượng và bán lẻ.
Linh Anh