Tiki sa sút
Trong thời gian gần đây, câu chuyện ông Trần Thái Sơn, CEO kiêm nhà sáng lập Tiki có đơn xin từ chức đã tạo nên sự ý trong giới kinh doanh. Đến nay, phía Tiki vẫn chưa có thông báo chính thức về vụ việc của ông Trần Thái Sơn. Tuy nhiên, sự việc này giúp giới kinh doanh, những người quan tâm đến lĩnh vực TMĐT nhìn lại hoạt động của Tiki trong thời gian qua.
Theo đó, trải qua hơn 1 thập kỷ phát triển, Tiki có lúc trở thành đối thủ lớn nhất của hai gã khổng lồ TMĐT trong khu vực là Shopee và Lazada. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, doanh nghiệp thương mại điện tử này đang gặp nhiều khó khăn.
Tiki đã báo cáo doanh thu hàng năm giảm trong năm tài chính gần đây nhất (kết thúc vào tháng 3/2022). Điều đáng nói là mặc dù các số liệu của năm tài chính 2022 đã được kiểm toán, nhưng các số liệu của năm tài chính 2021 thì không và thông tin chỉ dựa trên hồ sơ pháp lý của Tiki Global Pte. Ltd. trụ sở Singapore, đơn vị thành lập vào tháng 5/2021 và sở hữu hơn 90% cổ phần của công ty tại Việt Nam.
Theo đó, Tiki ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 giảm 7% so với năm 2021. Trong khi đó, tổng chi phí tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, khoản lỗ hoạt động của công ty đã tăng thêm 39% trong năm tài chính 2022.
Tiki sử dụng mô hình B2C và C2C, chia tổng doanh thu thành hai phần: Bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Mảng bán hàng hóa chiếm phần lớn doanh thu (88%) trong năm tài chính 2022.
Đối với mảng dịch vụ, hậu cần là phân khúc lớn nhất và vượt trội so với chỉ số doanh thu chung khi tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì công ty đã cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh ngay từ đầu. Tiki cũng đã và đang tích cực đầu tư vào các cơ sở hậu cần nội bộ của mình. Ngược lại, tiền hoa hồng từ nền tảng lại giảm 37%.
Điều đáng chú ý là trong mảng dịch vụ, lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất là quảng cáo, tăng 131% so với năm tài chính 2021. Tuy nhiên, mảng này chỉ chiếm 2% tổng doanh thu của công ty. Trong khi tổng doanh thu của Tiki giảm 7% trong năm tài chính 2022, chi phí bán hàng chỉ giảm 1%, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ -9% xuống -16%.
Tính đến tháng 3/2022, Tiki có khoảng 187 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương trên bảng cân đối kế toán. Con số này bao gồm số tiền thu được từ đợt gây quỹ khổng lồ trị giá 258 triệu USD vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, số tiền này chưa phản ánh khoản đầu tư 90 triệu USD của Tập đoàn tài chính Shinhan có trụ sở tại Hàn Quốc vào tháng 5/2022.
Nếu tính thêm cả 90 triệu USD đó vào bảng cân đối kế toán và giả định rằng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Tiki là 100 triệu USD, công ty có thể hoạt động trong 3 năm nữa trước khi cần thêm vốn. Điều này cũng cho thấy rằng việc IPO có thể đợi đến năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Ngoài chuyện về tài chính, với vấn đề của CEO Trần Thái Sơn đang cho thấy con đường phía trước của Tiki trong thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, gian nan.
Shopee lỗ nhưng vẫn dẫn đầu
Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2015 nhưng tới ngày 8/8/2016, Công ty TNHH Shopee mới chính thức ra mắt. Tuy nhiên, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3, lên gần 2.000 tỷ đồng. Năm 2019, Shopee ghi nhận khoản lỗ hơn 2.400 tỷ đồng, đến năm 2020 là 1.600 tỷ đồng và năm 2021 là gần 800 tỷ đồng. Tại 31/12/2021, lỗ lũy kế của Shopee Việt Nam đã lên đến hơn 7.500 tỷ đồng (khoảng 320 triệu USD, chỉ sau Lazada). Hết năm 2021, vốn chủ sở hữu của công ty này âm hơn 2.200 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 3/2022 của Sea Limited (công ty mẹ của Shoppe) cho thấy khoản lỗ trước thuế, khấu hao và lãi vay đã điều chỉnh của công ty tăng lên 357,7 triệu USD so với 165,5 triệu USD cùng kỳ năm 2021. Trước đó, giới chuyên môn nhận định, nhu cầu game giảm và việc cắt giảm nhiều thị trường của Shopee thì lỗ điều chỉnh trước lãi, thuế và khấu hao của Sea sẽ lên tới 453,6 triệu USD trong quý 3.
Dù hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhưng mới đây, nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric đã công bố báo cáo thị trường thương mại điện tử quý I/2023. Qua đó, Shopee vẫn đứng đầu thị trường khi chiếm tới 63,1% thị phần tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử. Trong đó doanh thu bán hàng trên nền tảng này vượt 24.700 tỷ đồng với 289,7 triệu sản phẩm được giao thành công từ 211.609 người bán.
Lazada rớt hạng
Lazada dưới pháp nhân là Công ty TNHH Recess ghi nhận khoản lỗ 76,8 triệu USD trong 2 năm liên tiếp là 2019 và 2020. Đến hết năm tài chính 2021, Lazada lỗ luỹ kế đạt 373,4 triệu USD, lỗ lớn nhất trong các sàn TMĐT tại Việt Nam, vượt quá giá trị vốn chủ sở hữu 7.600 tỷ đồng. Điều này dấy lên những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Theo Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric, sau quý 2/2023, Lazada đã bị Tiktok Shop lấy mất vị trí số 2. Qua đó, Lazada rơi xuống số 3 với các con số tương ứng là 15.700 tỷ đồng doanh thu, 117,5 triệu sản phẩm bán ra, 110,7 triệu shop có lượt bán ra.
Tiktok Shop phát triển thần tốc
Tiktok được biết đến với vai trò là một mạng xã hội “clip ngắn” mới nổi trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, mạng xã hội này cũng đã nhanh chóng tham gia vào cuộc tranh giành trong lĩnh vực thương mại điện tử. Qua đó, Tiktok đã cho ra mắt Tiktok Shop vào cuối tháng 4/2022.
Tuy là “tân binh”, nhưng Tiktok Shop đã nhanh rượt đuổi các sàn thương mại điện tử khác. Qua đó, đánh bại Tiki và mới đây là Lazada để vượt lên, trở thành sàn TMĐT lớn thứ 2 ở Việt Nam với doanh thu 16.300 tỉ đồng và 117 triệu sản phẩm đã bán trong nửa đầu năm 2023.
Theo Metric, Tiktok Shop chỉ mất 4 tháng sau khi ra mắt để có doanh thu bằng 80% doanh thu của Lazada trong quý 4/2022. Đến quý 1/2023, doanh thu của các nhà bán hàng trên nền tảng này chỉ kém Lazada 3,5%.
"Thị phần của Shopee từ đầu năm tới nay gần như không thay đổi, như vậy Tiktok Shop đang thực sự lấy đi thị phần từ các sàn TMĐT còn lại", Metric đánh giá.
Nhận định về cuộc “lật ngôi” của TikTok Shop, ông Lê Hải Vũ - CEO Velasboost - chuyên gia về thương mại điện tử cho rằng, điều này không khó hiểu, TikTok Shop như chú ngựa ô mới trong làng TMĐT, nhờ chính sách thu hút nhà bán và tỷ lệ chuyển đổi cao. Nhờ vậy, các nhà bán hàng được kéo về TikTok Shop rất mạnh. Một số ngành hàng trước giờ trên các sàn thương mại điện tử khác không có điểm nhấn như đồ ăn vặt… khi chuyển sang TikTok Shop lại bán khá tốt. Các KOL, KOC lớn cũng đang tích cực làm bên TikTok Shop vì hoa hồng nhiều, được chủ động.
Trong khi đó, Lazada trước nay vẫn có vấn đề về giao diện, khá khó sử dụng cho các nhà bán hàng, Shopee làm cái này tốt hơn. Lazada, Shopee tương tự nhau về cách hoạt động, trong khi TikTok Shop là môi trường hoàn toàn mới.
Không thể nói trước được liệu TikTok Shop có duy trì được lợi thế của mình hay không, vì giai đoạn đầu, sàn thường hỗ trợ sâu với người bán. Trong khoảng 1 năm tới, TikTok Shop còn nhiều cửa để phát triển.
"Về lâu dài, sự lớn mạnh của TikTok Shop khiến các sàn khác cũng phải bắt đầu kết nối lại, quan tâm hơn đến các nhà bán hàng lớn, mở lại các chương trình hỗ trợ, phát mã giảm giá, freeship nhiều hơn”, chuyên gia Lê Hải Vũ nhận định.